Đã chuyển khoảng 80.000m³ cát biển tại Sóc Trăng đến các công trình

Sau gần 2 tháng khởi công, đến nay, mỏ cát biển B1 (tỉnh Sóc Trăng) đã đưa về dự án khoảng 80.000m³, chất lượng cát được đánh giá tốt và độ nhiễm mặn đạt yêu cầu so với quy chuẩn.

 Khu vực mỏ cát biển B1 thuộc vùng biển tỉnh Sóc Trăng đang được khai thác

Khu vực mỏ cát biển B1 thuộc vùng biển tỉnh Sóc Trăng đang được khai thác

Ngày 27-8, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại khu vực sang mạn cát biển trên sông Hậu (thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) có đông đúc tàu, sà lan đang neo đậu để chờ đến lượt tiếp nhận cát biển, chở về dự án.

Địa điểm sang mạn này cách khu vực mỏ cát biển B1 đang khai thác trên 35km hướng ra biển. Nhiều công nhân cùng với máy bơm, máy hút làm việc liên tục, để sang mạn cát biển từ tàu nơi khai thác sang tàu vận chuyển về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

 Các tàu vận chuyển cát biển neo đậu trên sông Hậu (thuộc địa phận huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để chờ sang mạn cát

Các tàu vận chuyển cát biển neo đậu trên sông Hậu (thuộc địa phận huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để chờ sang mạn cát

Thông tin từ Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, đơn vị khai thác cát biển tại mỏ B1, sau gần 2 tháng khởi công, đến nay, mỏ cát biển B1 đã đưa về dự án khoảng 80.000m3, công suất trung bình khai thác đạt khoảng 6.500m3/ngày. Chất lượng cát biển khai thác khi đưa về dự án để làm vật liệu san lấp được đánh giá rất tốt.

Ông Đỗ Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, cho biết: "Vấn đề kiểm soát độ mặn của cát biển luôn được đơn vị quan tâm theo dõi. Mỗi tàu cát chuyển đến công trường dự án sẽ phải qua 5 lần kiểm tra độ mặn và kết quả đều được báo cáo đến ngành chức năng của các địa phương".

Theo đó, độ mặn của cát biển ghi nhận tại mỏ vào khoảng từ 22‰ - 27‰, khi sang mạn ghi nhận từ 13‰ - 17‰, bơm chuyển lên công trình là khoảng 22‰. So với quy chuẩn độ mặn 50‰ thì độ mặn cát biển tại mỏ B1 đảm bảo yêu cầu, thậm chí thấp hơn độ mặn đo được tại thực địa công trình dự án (Kiên Giang, Cà Mau).

"Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành theo dõi các tác động đến môi trường tại khu vực khai thác, địa điểm sang mạn, địa điểm bơm cát lên công trường", ông Châu cho biết.

 Cát biển tại Sóc Trăng được sang mạn để vận chuyển về công trường cao tốc

Cát biển tại Sóc Trăng được sang mạn để vận chuyển về công trường cao tốc

Tuy nhiên, theo ông Châu, do đây là lần đầu tiên tổ chức khai thác cát biển nên các đơn vị liên quan còn lúng túng về trình tự thủ tục, phương án khai thác. Ngoài ra, điều kiện khai thác cũng gặp không ít khó khăn, như: biển động, gió lớn, thủy triều biến động, đường vận chuyển xa, thiết bị còn thiếu... dẫn đến lượng cát biển đưa về công trường chưa đạt được như kỳ vọng.

"Dự kiến, đến đầu tháng 9-2024, công suất khai thác sẽ được tăng lên khoảng 15.000m3/ngày. Đồng thời, chúng tôi đang tiếp tục huy động thêm phương tiện, thiết bị khai thác để đảm bảo đạt được 20.000 – 30.000m3/ngày, nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu về cát san lấp của dự án”, ông Châu cho biết thêm.

Liên quan công tác giám sát khai thác cát biển, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thông tin: "Tổ công tác liên ngành về khai thác cát biển của tỉnh đang hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Hoạt động tuần tra, kiểm soát được tăng cường, diễn ra thường xuyên, đột xuất, kể cả vào ban đêm, nhằm giúp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát biển và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật".

TUẤN QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/da-chuyen-khoang-80000m-cat-bien-tai-soc-trang-den-cac-cong-trinh-post755944.html