Đã có 71 người chết và mất tích, hơn 700 người bị thương do bão lũ

Thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối giờ chiều 9.9, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã làm 71 người chết, mất tích, trong đó 49 người chết và 22 người mất tích.

Chiều tối 9.9, Bộ NN-PTNT cho biết qua báo cáo nhanh từ các địa phương phía Bắc, tính đến cuối giờ chiều, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã làm 71 người chết, mất tích (49 người chết, 22 người mất tích).

Tỉnh Lào Cai bị thiệt hại rất nặng nề do lũ và sạt lở đất khi có 24 người chết, mất tích.

Tỉnh Lào Cai bị thiệt hại rất nặng nề do lũ và sạt lở đất khi có 24 người chết, mất tích.

Trong đó Cao Bằng 21 người (8 người chết, 13 người mất tích) - chưa tính 16 người trên xe khách bị cuốn trôi; Lào Cai 24 người (18 người chết, 6 người mất tích); Quảng Ninh: 9 người; Hòa Bình 4 người; Yên Bái 3 người; Hải Phòng 2 người…

Bão, mưa lũ làm bị thương 732 người; 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.

Về sự cố sập cầu Phong Châu trên sông Thao (dòng chính của sông Hồng), tỉnh Phú Thọ, theo báo cáo của tỉnh tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện gặp nạn (gồm 1 xe tải, 2 xe đầu kéo, 6 xe máy, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; hiện đã cứu được 3 người bị thương và đưa đi cấp cứu.

Bão và mưa, lũ đã làm 136.228 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 26.252 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi…

Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng do 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 46.548 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245, Hải Phòng 13.927, Bắc Ninh 3.450, Lạng Sơn 2.627,...); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Sau vụ sập cầu Phong Châu: Phú Thọ cấm phương tiện qua 2 cây cầu khác

Sau vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), chiều nay 9.9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản cấm toàn bộ các phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu Tứ Mỹ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và cầu Trung Hà (nối huyện Tam Nông với huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

Theo Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thiệt hại, nhất là huyện Tam Nông. Ngoài cầu Phong Châu đã sập 2 nhịp và gãy một trụ, cầu Tứ Mỹ và Trung Hà cũng xuất hiện dấu hiệu xói lở trụ cầu.

Chiều cùng ngày 9.9, trực tiếp tới hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu tỉnh Phú Thọ nghiên cứu báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc cần thiết cấm cầu Trung Hà.

Về công tác cứu hộ, cứu nạn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Phú Thọ phối hợp với các tỉnh thành lân cận, tăng cường lực tuần tra hạ lưu 2 bên sông. Khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn, cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ. Đối với phương án làm cầu mới, cần cố gắng sớm; cầu mới phải đảm bảo độ vững chắc trước lưu lượng của dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Lực lượng chức năng lập hàng rào ngăn người dân đi lên cầu Trung Hà. Ảnh: G.T.

Sau khi cấm cầu Tứ Mỹ và Trung Hà, Sở GTVT Phú Thọ phân luồng như sau

Xe từ huyện Tam Nông đi huyện Lâm Thao, TP Việt Trì (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:

- Hướng thứ nhất: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo quốc lộ 2D đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32- đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ) - đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thành phố Việt Trì và ngược lại.

Xe đi qua địa bàn huyện Tam Nông đi Vĩnh Phúc, Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:

- Hướng thứ nhất: Theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ) - đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo quốc lộ 2D đi Việt Trì. Từ Việt Trì đi theo quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc đi qua cầu Văn Lang - qua Ba Vì - đi theo quốc lộ 32 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.

Xe từ các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo phương án:

- Hướng thứ nhất: Đi đến Km69+00 quốc lộ 32 (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) - rẽ phải vào ĐT.317G - tiếp tục đi đến Km17+400 đường tỉnh 317G (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) - rẽ trái vào đường tỉnh 317E - đi qua cầu Đồng Quang đến huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Ngoài ra, các xe đi từ thành phố Hà Nội về tỉnh Phú Thọ và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc quốc lộ 32.

Xe lưu thông từ Hà Nội đi các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa và đi tỉnh Yên Bái (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:

- Hướng thứ nhất: Từ Tam Nông đi vào đường tỉnh 315 - đường tỉnh 315D (đường Liên Vùng) - qua đường tỉnh 313C - đi theo quốc lộ 32C đi Cẩm Khê, Hạ Hòa - tỉnh Yên Bái và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Theo hướng quốc lộ 32 - theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo hướng quốc lộ 2D - qua cầu Hạ Hòa - tiếp tục theo hướng quốc lộ 32C đi huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

- Hướng thứ ba: Theo quốc lộ 32 - theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) đến thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC7, IC8, IC9 đến nút giao IC10, IC12 đi huyện Cẩm Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Nguyễn Hưởng - Minh Chiến

Văn Duẩn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-co-71-nguoi-chet-va-mat-tich-hon-700-nguoi-bi-thuong-do-bao-lu-45165.html