Đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về việc nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư mạo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đầu tư mạo hiểm, các cơ chế, chính sách đã được ban hành, chủ yếu thuộc lĩnh vực Khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Đầu tư mạo hiểm là lĩnh vực có nhiều rủi ro và chủ yếu liên quan đến khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Đầu tư mạo hiểm là lĩnh vực có nhiều rủi ro và chủ yếu liên quan đến khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Bổ sung chính sách thuế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển

Trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại Văn bản số 8030/BTC-TCDN, Bộ Tài chính cho biết, đầu tư mạo hiểm là lĩnh vực có nhiều rủi ro và chủ yếu liên quan đến khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, các cơ chế, chính sách đã được ban hành cũng chủ yếu thuộc lĩnh vực Khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công nghệ cao.

Về việc hướng dẫn triển khai các chính sách liên quan đến khuyến khích đầu tư mạo hiểm thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ cho biết, chính sách ưu đãi thuế được quy định tại các luật về thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội ban hành, trong đó đã quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế áp dụng cho các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích, ưu tiên phát triển theo chủ trương, định hướng của Nhà nước.

Theo đó, trên cơ sở ngành nghề, lĩnh vực thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư (đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của DNNVV; đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo DNNVV; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV; đầu tư khởi nghiệp sáng tạo...), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp... hay pháp luật về tiền thuê đất đã có quy định cụ thể chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất tương ứng với từng ngành nghề ưu đãi.

Đối với DNNVV, theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không quy định cụ thể chính sách ưu đãi riêng với đối tượng này. Tuy nhiên, trường hợp DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể tại Luật hoặc thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư thì cũng được áp dụng chính sách thuế TNDN tương ứng với điều kiện thực tế đáp ứng.

Ngoài ra, Luật thuế TNDN có ưu đãi thuế thu TNDN của doanh nghiệp có dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.

Theo Bộ Tài chính, tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.

Đồng thời, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội về thuế, phí như sau: Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế...

Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các luật thuế để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo hướng khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ phát triển đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho phù hợp.

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm

Bộ Tài chính cho biết, đối với các chính sách cấp bù lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, qua rà soát, chính sách cấp bù lãi suất quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV (Điều 17) và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 (Điều 26, 27) phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.

Do đó, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1687/BTC-TCNH báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tại Công văn số 2651/VPCP-DMDN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành để thống nhất phương án xử lý các vướng mắc trong việc hướng dẫn hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Liên quan đến Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp; đồng thời phối hợp tham gia với Bộ Khoa học và Công nghệ trong quá trình xây dựng, ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư mạo hiểm đã được ban hành chủ yếu thông qua các văn bản luật. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn; hoặc nghiên cứu, báo cáo cấp thẩm quyền về những vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện chính sách.

Theo Bộ Tài chính, các văn bản luật nêu trên do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cử tri tỉnh Gia Lai trên cơ sở tình hình thực hiện quy định pháp luật hiện hành, rà soát các vướng mắc và có đề xuất kiến nghị cụ thể tới cơ quan chủ trì xây dựng văn bản luật để nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm.

Đức Mạnh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/da-co-cac-co-che-chinh-sach-khuyen-khich-dau-tu-mao-hiem.html