Quốc hội yêu cầu báo cáo chi tiết nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng

Quốc hội giao Chính phủ báo cáo chi tiết số chi chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024, nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương tại thời điểm 31-12-2023.

Chiều 24-6, với 459/460 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

 Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: NT

Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: NT

Hơn 488 nghìn tỉ đồng bù đắp bội chi, trả nợ

Theo đó, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2,7 triệu tỉ đồng. Con số này bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2021 chuyển sang năm 2022, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2021, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là gần 2,9 triệu tỉ đồng bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023. Số bội chi ngân sách nhà nước là 293.313 tỉ đồng, bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Số này không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 488.406 tỉ đồng.

Quốc hội cũng bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 số tăng thu ngân sách nhà nước năm 2022 chưa được bổ sung tại Nghị quyết 40/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 3.102 tỉ đồng. Số này bao gồm tăng thu ngân sách trung ương là 972 tỉ đồng và tăng thu ngân sách địa phương là 2.130 tỉ đồng.

Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước. Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lập, chấp hành dự toán. Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường, có các giải pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước gắn với điều hành và xây dựng kế hoạch huy động vốn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và vay, trả nợ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả…

Đáng chú ý, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo chi tiết số chi chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024, nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại thời điểm 31-12-2023.

 Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: PHẠM THẮNG

Không thực hiện được dự toán chi ngân sách nhà nước sẽ gây lãng phí

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có nhiều ý kiến đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Chính phủ, Thủ tướng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục tại một số Bộ, ngành, địa phương. Các ý kiến này đề nghị nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán vào Nghị quyết của Quốc hội và khẩn trương có giải pháp khắc phục

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay Thường vụ Quốc hội nhất trí ý kiến của các đại biểu, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét lại công tác lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước chưa sát; công tác lập, thẩm định, giao dự toán, chuẩn bị đầu tư còn chậm và tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước còn hạn chế; số quyết toán chi thường xuyên một số lĩnh vực chi quan trọng và chi đầu tư đạt tỉ lệ thấp.

Bởi theo các đại biểu, điều này đã dẫn đến việc giảm bội chi ngân sách nhà nước không thực chất. Việc không thực hiện được dự toán chi ngân sách nhà nước để đưa nguồn lực vào nền kinh tế, gây lãng phí, giảm hiệu quả nguồn lực huy động.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Báo cáo về vấn đề này, Thường vụ Quốc hội cho hay thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp. Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội ở mức khá thận trọng để chủ động trong điều hành, dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương dành nguồn khá lớn dự kiến để xử lý các vấn đề phát sinh trong năm.

Thực tế năm 2022, dịch bệnh sớm được kiểm soát, kinh tế nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng đạt mức cao hơn nhiều so với dự báo, đã giúp thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt cao so với dự toán; nhiều nhiệm vụ chi không phân bổ hoặc không phân bổ hết, nên phải hủy dự toán.

Tuy nhiên, việc quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 thấp hơn nhiều so với dự toán, bằng 94,3% dự toán. Do vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác lập, tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước bảo đảm sát đúng yêu cầu để không gây lãng phí nguồn vốn vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước không sử dụng trong năm.

Nhiều ý kiến cho rằng số chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 rất lớn, tăng cả quy mô và tỉ trọng so với năm trước. Đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế, chính sách chuyển nguồn hiện nay; lưu ý tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng số chuyển nguồn trong năm sau, đảm bảo chi đúng quy định, đúng kỷ cương, kỷ luật.

Ông Lê Quang Mạnh cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục từ khâu lập dự toán đến chấp hành thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng chặt chẽ số chuyển nguồn.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/quoc-hoi-yeu-cau-bao-cao-chi-tiet-nguon-cai-cach-tien-luong-chua-su-dung-post797114.html