Đa dạng các hình thức truyền thông về xã hội hóa phương tiện tránh thai ở Tây Ninh
Nhờ tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã từng bước thay đổi nhận thức, chấp nhận sử dụng và trả phí với các sản phẩm phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được phân phối theo Đề án.
Năm 2016, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Thời gian qua, một trong những hoạt động được Tây Ninh ưu tiên hàng đầu để triển khai Đề án là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân từ "bao cấp, miễn phí" sang sử dụng dịch vụ và trả phí các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Hàng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ Tây Ninh đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 818, chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức có hiệu quả Đề án. Tại tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý Đề án 818 của Tổng Cục Dân số - KHHGĐ và công ty NASACO tổ chức tập huấn và truyền thông giới thiệu sản phẩm đề án cho 140 người là lãnh đạo và các phòng chuyên môn Chi cục DS-KHHGĐ, đại diện trung tâm y tế các huyện trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kiến thức về sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản; phân phối các tờ rơi được cấp từ Trung ương về các đơn vị thực hiện Đề án.
Ở các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức truyền thông tại cộng đồng, trên phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép vào các hoạt động truyền thông chuyên môn khác đề tuyên truyền, tư vấn cho người dân về các hàng hóa, phương tiện tránh thai của Đề án xã hội hóa để người dân biết tham gia thực hiện.
Về việc huy động các nguồn lực tham gia Đề án, trong giai đoạn 2016-2020, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tây Ninh đã tổ chức được 37 lớp tập huấn cho 18 viên chức phụ trách lĩnh vực truyền thông và cung cấp dịch vụ của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố và 1757 viên chức dân số và cộng tác viên DS-KHHGĐ của 94 xã, phường, thị trấn.
Về việc cung cấp các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại Tây Ninh, thời gian qua, Tây Ninh đã triển khai đưa một số sản phẩm của Đề án phân phối tại địa phương như: Viên uống tránh thai nhãn hiệu Anna; Dung dịch vệ sinh phụ nữ đa năng Gyno Pro; Gel bôi trơn SensiLove; Bột Unical For Rice…
Người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, chấp nhận sử dụng và trả phí với các sản phẩm được phân phối theo Đề án. Một số sản phẩm được tin dùng và đánh giá cao như: Dung dịch vệ sinh phụ nữ đa năng Gyno Pro; Bột Unical For Rice.
Cụ thể, theo báo cáo tổng kết của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2016-2020, Tây Ninh đã phân phối 384 vỉ thuốc viên tránh thai Anna; 550 hộp dung dịch vệ sinh phụ nữ đa năng Gyno Pro; 60 hộp gel bôi trơn SensiLove; 139 hộp Bột Unical For Rice. Cùng với đó, tỉnh Tây Ninh đã thanh quyết toán đầy đủ hàng năm với Ban quản lý Đề án 818 số tiền nhận sản phẩm thuộc Đề án 818 cung cấp.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Dân số tỉnh Tây Ninh, giá thành sản phẩm còn cao trong khi thị trường cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn giá của Đề án nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thị sản phẩm. Do đó, kiến nghị Ban quản lý Đề án 818 Trung ương xem xét hạ giá thành sản phẩm phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.
Để triển khai có hiệu quả Đề án 818 trong thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Ban quản lý Đề án 818 Trung ương tổ chức các lớp truyền thông giới thiệu sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho người dân, hướng tới sự công bằng trong dịch vụ DS – KHHGĐ, phù hợp với khả năng chi trả, đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng và tính bền vững của chương trình dân số.