Đa dạng các hoạt động thương mại - dịch vụ
Thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn huyện Than Uyên ngày càng phát triển đa dạng với các loại hình để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt, mạng lưới này đã và đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Hiện nay, huyện Than Uyên có 2 siêu thị, 1 bách hóa tổng hợp và gần 1.400 hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, với các ngành nghề kinh doanh như: dịch vụ ăn uống, kinh doanh điện tử, cơ khí, sửa chữa xe máy, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa, thời trang, dịch vụ vật tư nông nghiệp... Hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới các bản vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của bà con trong huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng được đầu tư xây dựng 2 chợ gồm: chợ Trung tâm thị trấn Than Uyên, chợ xã Mường Than, đáp ứng nhu cầu buôn bán của các tiểu thương cũng như thu hút người dân đến trao đổi hàng hóa. Các cơ sở kinh doanh còn lập tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội, website để giới thiệu các sản phẩm; đồng thời, sẵn sàng phục vụ tận nhà khi khách có nhu cầu.
Gia đình chị Phan Thị Huyền ở khu 7 (thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) nhiều năm nay mở bán thực phẩm khô - đặc sản của dân tộc Thái như: thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp, lạp sườn, thịt lợn hun khói và một số sản phẩm sấy khô theo mùa: khoai lang, dâu tây… Với phương châm đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, nguồn gốc rõ ràng, do vậy, các sản phẩm của gia đình chị Huyền luôn được khách hàng lựa chọn.
Chị Huyền chia sẻ: “Để khách hàng biết đến các sản phẩm của gia đình, tôi thường giới thiệu và bán trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok) và nhận giao hàng tại nhà khi khách có nhu cầu. Nhờ đó, khách hàng biết đến sản phẩm ngày một nhiều hơn. Để thu hút thêm khách hàng, tôi cũng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã bao bì. Đặc biệt năm 2022, món thịt trâu gác bếp được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao. Đây là động lực để tôi tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề. Đồng thời, mang các sản phẩm tham gia tại các hội chợ, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, gia đình chị Huyền cũng được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương nên việc kinh doanh thuận lợi. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình chị bán được khoảng 5 tấn thực phẩm khô (trâu, bò, lợn, lạp sườn), thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm cho từ 2 - 4 lao động địa phương, với mức lương 300 nghìn đồng/ngày.
Thường xuyên cập nhật mẫu mã mới và nhập hàng hóa đảm bảo chất lượng, có uy tín trên thị trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng là một trong những phương pháp kinh doanh hiệu quả của Siêu thị Dũng Long (khu 5A, thị trấn Than Uyên) trong thời gian qua. Bởi, phương pháp này không chỉ giúp siêu thị nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Chị Lữ Thị Thanh Nga - Chủ Siêu thị Dũng Long cho biết: “Để siêu thị hoạt động hiệu quả gần 10 năm qua, chúng tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chỉ nhập hàng của các nhà phân phối lớn với những mặt hàng của các công ty có thương hiệu Việt như: Vinamilk, Hải Hà, Tràng An, Bảo Minh… Ngoài ra, mở thêm cơ sở bán các sản phẩm đạt OCOP của huyện và các địa phương trong tỉnh: mật ong, gạo, thịt sấy, mắc-ca. Doanh thu của siêu thị không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước và tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng”.
Sự phát triển mạnh mẽ về TMDV đã thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ của huyện Than Uyên tăng qua các năm. Chỉ tính riêng giá trị ngành TMDV từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đạt 714,97 tỷ đồng (đạt 83,53% kế hoạch năm 2024). TMDV phát triển đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đến thời điểm này đạt 46,9 triệu đồng/người/năm. Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành còn có sự đồng thuận rất lớn của người dân. Huyện cũng có những cơ chế nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Từ đó, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo anh Phan Văn Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Than Uyên, để ngành TMDV tiếp tục phát triển và từng bước khẳng định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, hiện nay, phòng tham mưu cho huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Ngăn chặn buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển TMDV theo hướng hiện đại. Tuyên truyền các hộ kinh doanh mở rộng các loại hình dịch vụ, đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Khuyến khích các hộ cá thể, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp của các ngành có liên quan đẩy mạnh đào tạo nghề trong lĩnh vực TMDV, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.