Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông
Với mục tiêu nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa tai nạn, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã chủ động phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm ổn định tình hình trật trự, an toàn giao thông (TTATGT). Trong đó, đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT trên các trang mạng xã hội, các cơ quan truyền thông và vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo đảm an toàn giao thông. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đã giúp người dân nhanh chóng nắm thông tin và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là giải pháp then chốt để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu vi phạm, tai nạn giao thông một cách bền vững.
Thời gian qua, CSGT Công an tỉnh đã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, trọng tâm là đảm bảo dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với từng lứa tuổi, thành phần, từng địa bàn và phong tục, tập quán mỗi địa phương.
Từ đầu năm 2025 đến nay, CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, tôn giáo, công ty, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền trực tiếp hơn 650 cuộc, có khoảng 70.000 lượt người dân, giáo viên, học sinh và Nhân dân dự. Đã chủ động nghiên cứu, biên soạn, in, ấn và cấp phát 10.000 tờ rơi; thường xuyên tuyên truyền lưu động trên các tuyến giao thông, khu vực chợ, khu dân cư… Nội dung chủ yếu là hướng dẫn kỹ năng, quy tắc điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn; chế tài xử phạt, quy định về trừ điểm giấy phép lái xe đối với những hành vi vi phạm phổ biến; nguy cơ phát sinh tai nạn từ lỗi vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, không đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông…
Đáng chú ý, Phòng CSGT Công an tỉnh đã vận dụng, phát huy tiện ích của mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ hàng trăm tin, bài tuyên truyền về những kết quả công tác bảo đảm TTATGT, những nội dung trọng tâm Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ. Trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe và Luật TTATGT đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Công tác tuyên truyền trực quan cũng được duy trì thực hiện thường xuyên, tiến hành treo 68 băng rol “Đã uống rượu, bia không lái xe” trên các tuyến giao thông; phối hợp lắp đặt 100 biển tuyên truyền về mức phạt đối với xe mô-tô, ô-tô tại các nút giao thông có tín hiệu đèn; 20 biển tuyên truyền về mức phạt đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại các điểm trường và pa-nô tuyên truyền một số hành vi vi phạm cùng mức xử phạt tại trụ sở đơn vị.

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh biên soạn tài liệu tuyên truyền.
Bên cạnh, lực lượng công an cấp xã còn thường xuyên phối hợp cấp ủy, chính quyền cơ sở, các câu lạc bộ bảo đảm TTATGT đường bộ tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT đối với người dân ở địa phương được 3.120 cuộc, có hơn 46.800 lượt người nghe, dự.
Song song đó, Phòng CSGT và Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh còn phối hợp chặt chẽ trong cung cấp thông tin về tình hình TTATGT, phục vụ tuyên truyền kịp thời trên các cơ quan báo chí cũng như tổ chức sản xuất phóng sự An toàn giao thông trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, trọng tâm là những chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, UBND tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT và kết quả tiêu biểu của lực lượng CSGT trong các mặt công tác.
Theo ghi nhận, đa phần người dân trên địa bàn đều đồng thuận, đánh giá cao công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông của lực lượng công an.
Ông Nguyễn Tấn Lực (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành) cho biết, vai trò của công an cơ sở và lực lượng CSGT hoạt động rất tích cực sau khi có Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ thì công tác tuần tra, đảm bảo TTATGT ở địa phương, các đồng chí rất là nỗ lực để giữ gìn TTATGT ở địa phương. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT ngoài nỗ lực của lực lượng Công an xã thì còn phối hợp và ở các ấp, các tổ tự quản để vận động, tác động tới từng hộ gia đình, trong đó, gia đình đóng vai trò chính. Để bảo đảm TTATGT lực lượng công an phải là lực lượng nòng cốt trong tuần tra, kiểm soát, nhất là trong tuyên truyền...
Chị Thạch Thị Quýt Pha (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) cho biết thêm: thời gian qua, lực lượng CSGT tỉnh thực hiện nhiệm vụ rất tốt, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Phối hợp với địa phương rất tốt trong tuyên truyền cho người dân về an toàn giao thông. Điều này giúp ích cho người dân, có một số người dân chưa nắm được thông tin nhưng qua các cuộc tuyên truyền thì người dân sẽ nắm được nhiều hơn các quy định về an toàn giao thông như “đã uống rượu, bia không lái xe” hoặc con em chưa đủ tuổi không được lái xe, từ đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn.
Trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh còn lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp hơn 5.000 lượt người vi phạm về TTATGT, trọng tâm là mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nắm, hiểu và chấp hành tốt hơn để phòng tránh tai nạn.
Thượng tá Nguyễn Văn Chinh, Phó Trưởng phòng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, thực hiện chủ đề An toàn giao thông năm 2025 “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”, lực lượng CSGT công an toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy khai thác hiệu quả các trang mạng xã hội, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình, trạm truyền thanh để thông tin tuyên truyền TTATGT nhanh chóng đến người dân. Kết hợp giữa tuyên truyền với tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm tạo thói quen chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Đặt mới các bảng pa-nô, bảng tuyên truyền cỡ lớn trên các tuyến quốc lộ tại khu vực chợ, trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, giải trí để tuyên truyền trực quan cho người dân nhận biết, chấp hành.
Bên cạnh, công tác tuyên truyền về TTATGT đến được với người dân là nhờ sự đóng góp tích cực của Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh để cung cấp thông tin tuyên truyền pháp luật được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác. Phòng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp để thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền TTATGT đến với mọi người, để kịp thời nhận biết, nắm bắt và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Lực lượng CSGT cùng các ngành chức năng đã nỗ lực truyền thông các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đến người dân. Tuy nhiên, để giao thông an toàn, thiết nghĩ mọi người cần nâng cao ý thức tự giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, đặc biệt là “Đã uống rượu, bia không lái xe”, không chạy quá tốc độ quy định, không giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông để phòng tránh tai nạn.