Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là 1 trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tạo tiền đề giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) tham gia phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm; tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống bình quân của hộ, giúp hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Là một trong những hộ cận nghèo, gia đình chị Trần Thị Huyền, ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới cứ loay hoay với bài toán vươn lên thoát nghèo. Cái khó của hộ dân là không có vốn để đầu tư sản xuất, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào nghề bán xôi, bắp và bánh cam. Năm 2024, sau khi chính quyền địa phương rà soát bình chọn từ cơ sở, gia đình chị được hỗ trợ 5 con heo giống và 35 bao thức ăn từ dự án chăn nuôi heo thịt, do nguồn vốn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.

Chị Trần Thị Huyền, ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) hy vọng sẽ tăng nguồn thu nhờ chăn nuôi heo. Ảnh: THẠCH PÍCH

Chị Trần Thị Huyền, ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) hy vọng sẽ tăng nguồn thu nhờ chăn nuôi heo. Ảnh: THẠCH PÍCH

Chị Trần Thị Huyền chia sẻ:

Được sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ những con heo giống và thức ăn, tôi cảm thấy rất mừng. Bởi nhà tôi có chuồng heo sẵn, tiết kiệm được một phần kinh phí. Đã 1 tháng chăn nuôi, tôi thấy đàn heo con phát triển tốt nên rất mừng. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn heo thật tốt để sau này có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, chị Huyền đang sinh sống và nuôi người cha già ngoài 80 tuổi. Chị Huyền đã gắn bó với nghề bán xôi, bắp và bánh cam tại địa phương gần 30 năm nay. Hằng ngày, cứ khoảng 3 giờ sáng, căn bếp nhỏ của chị sáng đèn. Mỗi buổi sáng sớm, chị nấu 3kg gạo nếp, 1kg bắp và làm gần 100 cái bánh cam.

Khi trời vừa sáng, chị Huyền đạp xe đến điểm bán gần cổng trường học quen thuộc. “Làm nghề này phải chịu khó. Sáng nào cũng vậy, tôi chuẩn bị từ 3 - 5 giờ sáng để kịp bán cho các cháu học sinh, khách đi đường. Sau khi bán hết trừ các khoản chi, tôi kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng để sinh hoạt gia đình. Hiện, tôi chẳng mơ gì nhiều, chỉ cần khỏe mạnh để tiếp tục bán xôi, bắp, khi có thời gian tranh thủ chăm sóc đàn heo cho tốt là mừng lắm rồi”, chị Huyền chia sẻ.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ngân sách nhà nước bố trí vốn từ năm 2022, đối tượng thụ hưởng dự án là hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo. Từ năm 2022 đến nay, UBND xã Vĩnh Quới đã triển khai thực hiện các mô hình, như: chăn nuôi vịt xiêm Pháp, chăn nuôi gà và nuôi heo thịt cho 82 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Qua kiểm tra, giám sát tình hình phát triển các mô hình chăn nuôi tại địa phương, mỗi hộ dân khi nhận con giống đều siêng năng chăm sóc, con giống ít hao tốn, khi xuất đàn, bà con thu về trên 20 triệu đồng/hộ.

Ông Mai Văn Út Đẹp, ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) lùa đàn vịt vào chuồng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Ông Mai Văn Út Đẹp, ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) lùa đàn vịt vào chuồng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Gia đình ông Mai Văn Út Đẹp thuộc diện hộ cận nghèo ở ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới, thu nhập chủ yếu từ việc đi làm thuê, làm mướn theo thời vụ. Có những năm, vợ chồng ông lên Bình Dương kiếm việc làm. Ông cũng muốn tìm việc ổn định hơn tại địa phương vì hiện nay tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm. Hy vọng đã đến với ông, năm 2023, gia đình ông Út Đẹp đã được chính quyền xã xét chọn hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp, với 150 con giống vịt và 25 bao thức ăn từ Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Được con giống, vợ chồng ông thay phiên nhau chăm sóc đàn vịt. Chỉ sau khoảng 3 tháng, đàn vịt phát triển khỏe mạnh, ông Đẹp cho xuất đàn hơn 100 con, giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.

Ông Mai Văn Út Đẹp chia sẻ: "Để giảm chi phí, tôi còn tận dụng thêm nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (ốc bươu vàng) để cho đàn vịt ăn phụ thêm. Tôi không ngờ giống vịt này lại dễ nuôi và mau lớn, có trọng lượng bình quân từ 3 - 4kg/con. Chỉ sau một lứa, tôi đã có vốn tái đàn và mua thêm 100 con giống vịt siêu ngỗng và 50 con vịt đẻ trứng để nuôi thử nghiệm. Riêng vịt đẻ, mỗi đêm gia đình tôi thu gom được hơn 40 quả trứng, với mức giá 25.000 đồng/chục. Hiện nay, đàn vịt của tôi cũng đang phát triển khỏe mạnh".

Mô hình chăn nuôi gà, vịt, chăn nuôi heo thịt không chỉ giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm thu nhập, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho các hộ dân khác trên địa bàn xã. Chính quyền địa phương đang nhân rộng mô hình này, hỗ trợ thêm nhiều hộ dân tiếp cận giống và kỹ thuật chăn nuôi.

Theo đồng chí Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới:

Việc thực hiện hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi là việc làm thiết thực, phù hợp với mong muốn của nhân dân, từng bước tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định. Quá trình thực hiện, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, động viên người dân duy trì và phát triển mô hình đạt hiệu quả. Thấy được sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước và cả cộng đồng, các hộ được thụ hưởng luôn tự phấn đấu vươn lên, cố gắng vượt qua khó khăn, chăm lo sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Năm 2022 và năm 2023, phần nhiều hộ chọn mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp, từ lúc nhận con giống đến xuất đàn, bà con thu về khoảng 20 triệu đồng/hộ. Năm 2024, người dân có nguyện vọng chuyển sang mô hình nuôi heo thịt. Hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế, giải quyết việc làm.

Có thể khẳng định, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã và đang tiếp sức cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Quới có thêm sinh kế, tạo tiền đề để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-xa-nga-nam/202412/da-dang-hoa-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung-0ac7616/