Mô hình nuôi chồn hương thoát nghèo ở Phước Long
Mô hình nuôi chồn hương tại nhà bước đầu được đánh giá là là mô hình thích hợp, giúp nhiều người ở Phước Long (Bạc Liểu) có thêm nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực triển khai nhiều mô hình thực hiện dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Các mô hình sinh kế này chủ yếu tập trung hỗ trợ các loại con giống, vật nuôi phù hợp thực tế địa phương, cho giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần quan trọng trong quá trình giảm nghèo tại địa phương. Một trong những mô hình được các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nơi đây đánh giá cao đó là mô hình nuôi chồn hương ở thị trấn Phước Long.
Không có đất sản xuất, căn nhà lá xiêu vẹo lại bị mưa dông làm sập, bản thân hàng ngày phải đi làm thuê, làm mướn nên chị Đặng Kim Anh ở ấp Long Đức, thị trấn Phước Long rất vui mừng khi được địa phương đến trao tặng 4 con chồn hương giống. Qua hơn 1 năm chăm sóc, những con chồn hương của chị Kim Anh đang phát triển tốt.
“Nuôi chồn mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì chồn không kén thức ăn, dễ chăm sóc. Mỗi ngày chồn ăn một cữ chuối, cỏ tươi trong khi lại được Nhà nước tạo điều kiện làm chuồng và các vận dụng chăm nuôi khác. Hiện trong chuồng mới một cặp chồn có bầu, còn cặp khác cũng chuẩn bị vào tuổi sinh sản”, chị Kim Anh cho biết.
Cách gia đình chị Kim Anh không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng cũng thuộc hộ nghèo không đất sản xuất, chỉ có miếng đất nhỏ để cất nhà. Vài năm trước, địa phương đã trao tặng gia đình ông căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, sau đó lại hỗ trợ gia đình thêm 4 con chồn hương giống.
Theo ông Tùng, nuôi chồn hương không cần nhiều diện tích, nhẹ công chăm sóc, dễ tìm nguồn thức ăn vì thức ăn chủ yếu là chuối, cá phi có rất nhiều tại địa phương. Chồn hương nuôi khoảng 18 tháng sẽ đạt trọng lượng 4 - 6kg/con và có thể cho sinh sản. Hiện gia đình ông rất phấn khởi vì có 1 con chồn cái vừa sinh sản được 3 con chồn con.
“Gia đình tôi nghèo không có ruộng nương nên trước đây thường phải đi làm mướn. Nhà nước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình 4 con chồn nuôi sinh sản để từng bước trang trải cuộc sống. Nuôi chồn chỉ cho ăn buổi sáng, buổi chiều vẫn có thể đi làm công việc khác, nhanh cho hiệu quả kinh tế”, ông Tùng nói.
Theo ông Huỳnh Văn Tèo, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, trong 2 năm qua, thực hiện dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương đã hỗ trợ gần 80 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo có mô hình sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, trong đó có hơn 40 hộ được hỗ trợ nuôi chồn hương.
Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 4 con chồn hương (2 con đực và 2 con cái) trị giá 28 triệu đồng. Sau khi kết thúc dự án, địa phương chỉ thu hồi vốn là 2,8 triệu đồng, tương đương 10%. Mô hình nuôi chồn hương tại nhà bước đầu được đánh giá là là mô hình thích hợp giúp nhiều người có thêm nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Mô hình nuôi chồn tại nhà phụ thuộc vào nguồn thức ăn do các hộ tự kiếm để lấy công làm lãi. Đây là mô hình dễ thực hiện đối với các hộ nghèo và cận nghèo. Giá chồn thương phẩm hiện nay cũng tương đối cao, mỗi kg chồn thịt có giá khoảng 1,5 triệu đồng, còn chồn giống khi bán ra thị trường cũng có giá khoảng 5 triệu đồng/con. Thị trấn đã hợp đồng với hợp tác xã cung cấp con giống, sau đó làm chuồng trại cho người dân và sau đó họ thu mua lại chồn giống”, ông Tèo cho biết.
Hiệu quả mang lại từ các mô hình sinh kế, trong đó có mô hình nuôi chồn hương đã góp phần cho thị trấn Phước Long giảm nhanh số hộ nghèo. Nếu cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn vẫn ở mức hơn 2%, nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ còn hơn 0,5%, tương đương với 22 hộ nghèo.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mo-hinh-nuoi-chon-huong-thoat-ngheo-o-phuoc-long-post1147927.vov