Đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập
Chú trọng hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương… đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân Điện Biên ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 27,33% (36.996 hộ). Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Điện Biên giảm qua các năm, từ 48,14% đầu năm 2016, đến cuối năm 2020 còn 30,67% (giảm 17,47%).
Với thế mạnh về nông nghiệp, nên huyện Điện Biên chú trọng giảm nghèo thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp. Thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho thấy, từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 30.000 người dân, với gần 88.000 con gia súc, gia cầm. Cùng với đó, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ 68 con bò sinh sản cho 137 hộ nuôi luân chuyển theo nhóm hộ; hỗ trợ 1.251 con gà lai; hỗ trợ vật tư 6,72ha cây trồng nông nghiệp… Hàng loạt dự án, mô hình sinh kế được đầu tư, như gà lai hướng thịt theo hộ gia đình, nuôi bò sinh sản luân chuyển theo nhóm hộ tại các xã Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Chăn... giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Bên cạnh đó, với đặc thù địa phương là huyện thuần nông chuyên sản xuất lúa nước, những năm gần đây, nông dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Điện Biên như Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt… đã chủ động chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang rau màu, các loại cây ăn quả cho nguồn thu cao hơn. Chẳng hạn, nông dân ở xã Pom Lót đã chủ động chuyển đổi gần chục hécta đất thiếu nước sang trồng rau cung cấp cho thị trường TP. Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Trồng rau mang lại thu nhập cao hơn từ 15 - 20 triệu đồng/năm/hộ. Toàn xã hiện có hơn 10ha rau màu.
Chuyển đổi đất lúa nương sang trồng cây dứa tại huyện Mường Chà giai đoạn 2017 - 2021 được đánh giá là mô hình đạt nhiều hiệu quả. Với mô hình này, huyện đã thực hiện chuyển đổi 240ha, trong đó 75ha chuyển đổi năm 2017, 42ha năm 2018, 17ha năm 2019, 36ha năm 2020 và 70ha năm 2021. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất, tăng thu nhập cho người dân gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa nương.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nương sang trồng cây dứa tại tỉnh Điện Biên mang lại nhiều hiệu quả
Nguồn: ITN
Liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ
Năm 2021, Phòng Kinh tế Thành phố Điện Biên Phủ phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp Thành phố xây dựng, thực hiện 7 mô hình, dự án trình diễn trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn các xã, phường. Qua đó từng bước nhân rộng mô hình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với tổng kinh phí hơn 8,25 tỷ đồng.
Các mô hình, dự án trình diễn, bao gồm: Ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa vụ mùa quy mô 47ha; ứng dụng các IPM trên cây lúa nếp tan quy mô 11,4ha; dự án sản xuất thử nghiệm dưa lưới theo hướng công nghệ cao quy mô 620m2; dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng trên hồ Loọng Luông quy mô 450m3; dự án liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà thịt an toàn sinh học quy mô 6.350 con... Trong đó, tại xã Mường Phăng đã triển khai được 2 mô hình. Qua các mô hình này, năng suất và chất lượng lúa tăng lên. Cùng với các chương trình, dự án khác, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Cụ thể, năm 2021 Mường Phăng còn 56 hộ nghèo, giảm 50 hộ so với cùng kỳ năm 2020 và còn 18 hộ cận nghèo, giảm 67 hộ so với năm 2020.
Những năm gần đây, huyện Tủa Chùa cũng triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo. Trong đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho hộ nghèo được triển khai hiệu quả. Năm 2022, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo, huyện đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ sản xuất và 1 mô hình nhân rộng giảm nghèo. Từ nguồn vốn theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND ngày 24.12.2018 của UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, huyện Tủa Chùa đã thực hiện 4 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm vịt bầu, ngan, ngô lai, đào, với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.
Có thể kể đến một số mô hình nổi bật như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương (hỗ trợ 2 vụ) thực hiện năm 2021 - 2022 với 40 hộ dân trên địa bàn xã Mường Đun, quy mô 3.000 con vịt bầu địa phương; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu với quy mô ban đầu 4ha được triển khai từ năm 2020… Thông qua các mô hình, dự án liên kết đã từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân. Một số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua rà soát, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo huyện Tủa Chùa giảm còn 40,8% và số hộ cận nghèo còn 18,7%.