Đa dạng hóa thương hiệu để đưa Việt Nam vào bản đồ gia vị thế giới
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Hoàng Thị Liên cho rằng, phát triển riêng lẻ không giúp Việt Nam tạo lập thương hiệu quốc gia trên bản đồ gia vị thế giới, nên phải sản xuất bền vững và đa dạng gia vị ngoài các mặt hàng quen thuộc là hồ tiêu và quế.
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022 (theo ITC). Tại các thị trường, gia vị của Việt Nam như hồ tiêu, quế và hồi… cũng chiếm thị phần lớn tại Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Gần đây, các thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung và gia vị Việt Nam nói riêng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về tình hình thị trường và ngành hàng, nắm rõ quy định của cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam cũng như các quy định của nước nhập khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức hội thảo “Hành trình Việt Nam trở thành nhà cung cấp gia vị bền vững” vào sáng 21/4.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch VPA Hoàng Thị Liên cho biết, Việt Nam đang có ưu thế tuyệt đối khi sở hữu thổ nhưỡng, thời tiết thích hợp để phát triển cây gia vị (loại cây kén môi trường sinh sống).
Trong năm 2022, ngành gia vị Việt Nam đã đóng góp hơn 1,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Đến hiện tại, Việt Nam đang giữ vai trò là nhà cung cấp tiêu số một và quế số hai thế giới.
Tuy nhiên, ngành gia vị vẫn chưa có sự phát triển đồng đều khi ngoài tiêu và quế, Việt Nam vẫn còn nhiều loại gia vị khác như ớt, hồi, đậu khấu, gừng, nghệ...
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên
Nói thêm về khó khăn mà ngành gia vị Việt đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, mặc dù doanh nghiệp đầu ngành đã đi đầu về ứng dụng công nghệ sản xuất trên thế giới, giúp Việt Nam có những thương hiệu nhất định. Nhưng đến hiện tại, diện tích sản xuất cây gia vị của Việt Nam vẫn còn nhỏ, manh mún, thiếu sự liên kết, “mạnh ai người nấy làm”. Do vậy, để tạo vùng nguyên liệu gia vị theo đúng nghĩa vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, xây dựng bổ sung cơ chế để hỗ trợ cho ngành gia vị liên kết, tạo ra sản phẩm, nguyên liệu hợp pháp và đảm bảo yêu cầu của thế giới.
Ông Diện cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt, rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu (yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải nỗ lực hơn trong việc thực hiện đúng chức năng là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp, tiến hành tổ chức hội thảo, xúc tiến thương mại. Còn doanh nghiệp phải là trụ đỡ cho người nông dân, đặc biệt trong vấn đề kết nối vùng trồng và vùng chế biến, tăng giá trị gia vị của Việt Nam.
Bàn sâu hơn vấn đề phát triển thương hiệu gia vị Việt Nam trên trường quốc tế, CEO công ty DH Foods Nguyễn Trung Dũng chia sẻ, để tồn tại và phát triển lâu dài tại EU và Nhật Bản, điều quan trọng đối với doanh nghiệp là chữ tín.
"Nếu doanh nghiệp mắc sai lầm thì phía nhập khẩu có thể không tiến hành nhập lại bởi họ có nhiều lựa chọn từ các thị trường như Thái Lan…", theo ông Dũng.
Mặt khác, chất lượng cũng là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc đảm bảo chất lượng xuất khẩu gia vị tại Việt Nam còn tương đối hạn chế.
“Ngay tại thị trường trong nước, chúng tôi tìm kiếm nguồn cung ớt khô nhưng lại khó tìm được nhà cung cấp đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hồ tiêu sang Nhật Bản".
Trong xu hướng nhập khẩu hiện nay, Phó giám đốc DACE Nguyễn Hằng Nga cho rằng, thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… ngày càng nâng cao yêu cầu về chất lượng sản phẩm (MRL).
Người tiêu dùng nâng cao ý thức tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm. Do vậy, các nhà nhập khẩu cần minh bạch thông tin về nhà cung cấp của họ thông qua các phương thức như sử dụng mã QR code, mã số lot…
Người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng gia vị hữu cơ và tự nhiên. Tuy nhiên, sự sẵn có của các loại gia vị hữu cơ vẫn còn hạn chế, dự kiến thị trường gia vị hữu cơ sẽ phát triển 3-5%/năm trong vài năm tới.
Trong bối cảnh rủi ro về biến đổi khí hậu, các nhà nhập khẩu châu Âu đang tiến hành đa dạng nguồn cung (bên cạnh nhà cung cấp chính là Trung Quốc và Ấn Độ) nhằm tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp gia vị Việt.