Đa dạng không gian văn hóa trong tiểu thuyết sử thi
Một nét mới trong thi pháp không gian tiểu thuyết sử thi gần đây là được mở rộng về phía văn hóa phong tục của hai nước bạn Lào và Campuchia. Đó là những nét đẹp, nét lạ trong đời sống tâm linh từ phong cách ăn mặc đến tục thờ cúng, tín ngưỡng đạo Phật, tập tục cưới xin, ma chay cho đến những thói quen trong quan hệ bạn bè, họ hàng thân tộc, huyết thống... Được nhìn từ một nền văn hóa khác (Việt Nam) nên đối tượng khám phá càng hấp dẫn, mời gọi, mê hoặc hơn.
Xiêng Khoảng mù sương (Bùi Bình Thi) miêu tả những phong tục độc đáo của người Lào mà nổi bật là một phong cách trang phục rất riêng. Bà con thường dệt rất nhiều loại hoa văn nhưng phổ biến là kiểu hình rồng cổ đỏ, hình con hổ hiền lành, đôi rắn quấn vào nhau, hay hình em gái biến thành chim hoặc hình voi có người cưỡi... Mỗi loại hoa văn trên váy áo lại gắn với một sự tích thể hiện một tín ngưỡng, một quan niệm về cuộc sống hòa hợp, thân thiện với thế giới muôn loài...
Tập quán hiếu khách của người Lào thể hiện ở tục kết nghĩa anh em. Một ngày là mười năm (Phạm Quang Đẩu) khắc họa mối quan hệ ruột thịt của Nhị Nguyễn (Việt Nam)-cán bộ dân vận với người dân bản Pha Lan (Lào). Tiểu thuyết có những trang rất sinh động về ứng xử của văn hóa Lào trong tục kết nghĩa “siều”. Chỉ khi tình cảm đã trở nên thân thiết, bền chặt thì mới là “siều” của nhau, nghĩa là sống chết có nhau.
Các tiểu thuyết viết về văn hóa Mông Lào, Lào Sủng hay Lào Lùm đều nhấn vào vẻ đẹp tình nghĩa của lối sống tuy còn nghèo, rất đơn giản về vật chất nhưng thật giàu có về tình nghĩa thủy chung. Không chỉ là cái tình giữa người với người mà còn là cái tình giữa người với tự nhiên. Triết học tâm linh trên thế giới đang tập trung nghiên cứu quan niệm cổ xưa “Vạn vật hữu linh”, thì những ứng xử văn hóa này là những dẫn chứng sinh động. Cùng mối đồng cảm tri âm, “đồng khí tương cầu” mà các nhà văn Việt Nam luôn lấy nét thuần phác, nhân hậu đặc trưng của tính cách Lào làm chất keo kết nối các nhân vật, sự kiện, tập trung hơn cả ở sự miêu tả đời sống tâm linh huyền bí, lạ lẫm.
Hai tiểu thuyết Sào huyệt cuối cùng (Bùi Thanh Minh) và Đất không đổi màu (Nguyễn Quốc Trung) đưa người đọc khám phá những phong tục lễ hội của đất nước Chùa Tháp. Tự thân phong tục đã đậm chất thơ. Ở đây, chúng còn được soi chiếu, cảm nhận qua cái nhìn, tâm trạng của nhân vật được hít thở trong sinh quyển văn hóa bản địa từ bé thơ nên hiện ra càng sinh động, tự nhiên. Lễ hội như một phần của cuộc sống con người nơi đây. Nếu múa lăm vông là đặc trưng của văn hóa Lào thì múa lăm thôn là tiêu biểu cho văn hóa Chùa Tháp. Không chỉ lăm thôn vào dịp lễ hội mà còn có cả trong những đám cưới. Lễ cưới tổ chức ba ngày thì cũng là ba đêm lăm thôn kéo dài đến ba, bốn giờ sáng. Con người như quên đi cái cuộc sống tất bật với bao lo toan để chỉ còn say mê cùng điệu nhạc du dương, dìu dặt. Không gian lăm thôn là không gian của yêu thương, của hò hẹn, còn là không gian đoàn kết, nghĩa tình, gắn nối mọi người. Trong một không gian hữu tình như thế, tình yêu dễ tìm đến tình yêu...
Ngoài đưa đến những nét mới lạ làm phong phú sự hiểu biết về một miền văn hóa khác, các nét phong tục này còn mang một ý nghĩa tố cáo chiến tranh. Phong tục càng hấp dẫn càng làm sống dậy ở bạn đọc ý thức bảo vệ, trân trọng, giữ gìn. Một giá trị phổ quát được đặt ra: Phải ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ chiến tranh để giữ lại những nét đẹp văn hóa đáng quý kia!
Chất trữ tình luôn là một phương diện thi pháp của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, góp phần làm nên chất trữ tình ấy chính là phong tục. Phong tục là yếu tố chủ yếu, cơ bản thể hiện rõ nhất bản sắc của văn hóa. Ngày nay, trong xu hướng một thế giới phẳng, nhất thể hóa, việc đi tìm nét riêng của mỗi xứ sở, phong tục là yếu tố được coi trọng. Người ta gọi phong tục là tấm căn cước văn hóa. Vì thế các nhà tiểu thuyết không chỉ là người sáng tạo văn chương mà còn là những nhà folklore học. Họ cũng đích thực là những sứ giả văn hóa.
Nhìn từ thi pháp kết cấu thì phong tục đã giúp các tác giả tiệm cận gần hơn trong việc chiếm lĩnh bản chất của hiện thực chiến tranh. Tiểu thuyết sử thi đã làm tốt công việc khám phá cuộc sống trong bề sâu, bề xa, đã tìm thấy dưới cái bề nổi của không gian chiến tranh là không gian của những xung đột, một bên là văn hóa và một bên là phản văn hóa. Văn hóa, dù ở đâu cũng thể hiện rõ nhất nhân tính. Nhờ được hấp thụ nguồn dinh dưỡng nhân tính trầm tích từ ngàn đời nên cây đại thụ văn hóa bất cứ dân tộc nào cũng luôn vươn lên kiêu hãnh trước ánh sáng của bầu trời nhân văn mà không bao giờ chịu gục ngã trước bất cứ sức mạnh phi nghĩa nào.