Đa dạng mô hình phụ nữ phát triển kinh tế ở thị trấn Cốc Pài

Với phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, nhiều hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) đã vượt khó khăn, mạnh dạn đầu tư, triển khai nhiều mô hình hay và có hiệu quả. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, xã hội và đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Hội LHPN thị trấn Cốc Pài có 11 chi hội, hội viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: Nùng, Mông... Để giúp chị em chủ động trong phát triển kinh tế (PTKT), thời gian qua Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu đến các hội viên nhiều mô hình, cách làm hay khi tận dụng thế mạnh từ nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, quỹ đất của gia đình. Nhờ đó, nhiều hội viên chủ động bàn bạc cùng gia đình và triển khai PTKT theo hướng chăn nuôi, trồng cây ăn quả và trồng rau theo mùa... Cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên. Cách làm này đang giúp gia đình các hội viên phụ nữ có được nguồn thu nhập ổn định và từng bước nâng cao đời sống.

Gia đình chị Vàng Thị Hằng, thôn Cốc Cọc, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) phát triển đàn dê thương phẩm.

Gia đình chị Vàng Thị Hằng, thôn Cốc Cọc, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) phát triển đàn dê thương phẩm.

Chị Vàng Thị Hằng, hội viên chi hội phụ nữ (CHPN) thôn Cốc Cọc là một người khá thành công với mô hình nuôi dê thương phẩm. Năm 2017, khi mới bắt đầu nuôi dê, gia đình chị Hằng chỉ có một đôi dê giống, sau 7 năm đàn dê của chị đã có trên 30 con và thu nhập từ bán dê thương phẩm mỗi năm đạt trên 50 triệu đồng. Chia sẻ về việc lựa chọn nuôi dê thương phẩm, chị Hằng tâm sự: “Nuôi dê vốn đầu tư ban đầu thấp, không mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc như những con vật khác. Dê sinh trưởng, phát triển nhanh, ít bệnh tật, dễ tiêu thụ, giá cả ổn định nên hiệu quả kinh tế cao. Nhờ nuôi dê, thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn, nhanh chóng thoát nghèo, có điều kiện để nuôi con học đại học”.

Cũng như chị Hằng, chị Vàng Thị Vùi, hội viên CHPN thôn Vũ Khí rất thành công với mô hình nuôi lợn đen thương phẩm và trồng rau. Được biết, chị Vùi bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình từ cuối năm 2017, trong đó đối với việc chăn nuôi chị tập trung nuôi lợn đen bản địa và áp dụng đầy đủ kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, một năm gia đình chị xuất bán được 2 lứa lợn, mỗi lứa trên 30 con; bên cạnh đó chị còn trồng rau theo mùa để phục vụ cho các quán ăn, người dân trên địa bàn. Thu nhập từ nuôi lợn, trồng rau sau khi đã trừ chi phí đầu tư đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Hội LHPN thị trấn Cốc Pài còn có một số mô hình khác như chị Vàng Thị Sơ, thôn Chúng Chải nuôi dê và bò thương phẩm; chị Lù Thị Coi thôn Cốc Pài trồng các loại cây ăn quả, trồng ớt cũng nhận được sự đánh giá rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương về cách làm và hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện giúp các chị em gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm nghề và có việc làm với mức thu nhập ổn định, vừa qua Hội LHPN thị trấn Cốc Pài đã thành lập tổ hợp tác thêu, may trang phục dân tộc truyền thống thu hút sự tham gia của 20 thành viên. Đây là một hoạt động thiết thực, không chỉ đẩy mạnh việc PTKT tập thể trong Hội mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cốc Pài, Đào Thị Bích cho biết: Các mô hình PTKT của hội viên đều phát huy được hiệu quả, giúp mọi người tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu đến chị em thêm nhiều mô hình, cách làm hay cũng như hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay để mọi người thực hiện ý tưởng của mình.

Bài, ảnh: Hồng Nhung

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202408/da-dang-mo-hinh-phu-nu-phat-trien-kinh-te-o-thi-tran-coc-pai-de46d0f/