Đa dạng nguồn cung lúa giống từ các hợp tác xã

Lúa giống - không thể thiếu trong sản xuất của nông dân để góp phần nâng cao chất lượng gạo, hạn chế sâu bệnh... những năm gần đây, thông qua vai trò các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, góp phần làm đa dạng nguồn sản xuất lúa giống tại địa phương và cung ứng cho thành viên trong và ngoài HTX. Vụ lúa hè - thu năm 2024, nguồn sản xuất lúa giống tại từng địa phương đã giúp nông dân đẩy mạnh việc tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận vào sản xuất, hạn chế tình trạng 'sốt giá' lúa giống khi tới mùa vụ.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài kiểm tra chất lượng lúa giống trước khi vào bao.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài kiểm tra chất lượng lúa giống trước khi vào bao.

Ghi nhận trên địa bàn huyện Châu Thành, địa phương có số HTX sản xuất, cung ứng lúa giống nhiều nhất trong tỉnh. Hiện toàn huyện có 06/10 HTX nông nghiệp có sản xuất lúa giống và liên kết với các HTX trong và ngoài huyện để trao đổi, cung ứng nguồn lúa giống trong sản xuất. Bình quân mỗi vụ lúa, các HTX sản xuất từ 15 - 30ha, đạt sản lượng giống từ 100 -150 tấn/vụ, đảm bảo diện tích xuống giống cho khoảng 1.000 - 1.300ha lúa (lượng giống gieo sạ 100 -120kg/ha).

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài (ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: trong sản xuất lúa giống của HTX, chủ yếu là cung ứng trong các thành viên HTX và nông dân. Ngoài ra, HTX còn tiếp nhận các đơn đặt hàng theo hình thức liên kết của các HTX nông nghiệp khác trong tỉnh để cung ứng giống cho làm lúa thương phẩm. Với giá bán lúa giống tại địa phương sản xuất luôn thấp hơn so với ngoài tỉnh đưa về và nông dân có thể giám sát, phản ánh, trao trả sản phẩm khi thấy lúa giống không đảm bảo chất lượng.

Được biết, trong vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024, HTX nông nghiệp Phát Tài sản xuất 15ha lúa giống (gồm giống OM5451, ML202) để cung ứng cho vụ lúa hè - thu năm 2024. Cũng theo ông Trần Văn Chung, trước tình hình giá lúa thương phẩm giảm, do đó giá lúa giống cũng giảm theo, trong khi đó, quy trình sản xuất lúa giống đòi hỏi nghiêm ngặt từ khâu xuống giống (từ giống nguyên chủng) thực hiện cấy hoặc sạ cụm; trong quá trình sinh trưởng của cây lúa phải trải qua 03 - 04 lần khử lẫn. Đến khi thu hoạch, phải đảm bảo lúa thuần, không pha lẫn với các giống khác nên thường sử dụng máy gặt, máy sấy, giê… làm riêng theo từng giống lúa.

Ông Trầm Minh Thuần, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Trà Cú) cho biết: trong vụ hè - thu, HTX xuống giống khoảng 150ha lúa thương phẩm OM5451 và nguồn giống (lúa cấp xác nhận) được liên kết mua từ các HTX nông nghiệp khác trong tỉnh để cung ứng giống cho thành viên trong HTX.

Ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) cho biết: hàng năm, HTX đều sản xuất lúa giống (03 vụ/năm) với diện tích khoảng 46ha. Trong đó, khoảng 30% sản lượng cung ứng cho các HTX trong và ngoài huyện; còn lại bán cho thành viên và nông dân. Riêng vụ hè - thu, các giống được sản xuất tại HTX là OM5451 và OM18… đây là các giống có nhu cầu cao từ thị trường. Nguồn giống của HTX khi cung ứng cho khách hàng được thực hiện cam kết đổi, trả và kiểm tra sản phẩm; nên tạo sự an tâm và giữ chữ tín với nông dân cũng như các HTX có liên kết mua giống. So với nguồn giống ngoài tỉnh, nông dân khi mua khó đổi, trả và giá thành thường cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; ngoài ra, HTX sản xuất giống và bán ra cho thành viên tại HTX giảm 20% so với giá thị trường.

Cũng theo ông Trầm Minh Thuần, nguồn lúa giống mua từ các HTX trong tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi, như: được đổi trả khi không đảm bảo chất lượng; chi phí vận chuyển; cung ứng kịp thời cho mùa vụ và giá cả phù hợp. Đối với các HTX chuyên sản xuất lúa thương phẩm và cung ứng gạo thành phẩm; tự sản xuất lúa giống sẽ không hiệu quả; vì HTX sẽ không có kinh nghiệm, phải bỏ vốn đầu tư thiết bị và không có thị trường.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/da-dang-nguon-cung-lua-giong-tu-cac-hop-tac-xa-37555.html