Đa dạng những góc nhìn

Nhà báo, Tiến sĩ Trần Bá Dung vừa trình bạn đọc ấn phẩm đồ sộ Báo chí Truyền thông - Những góc tiếp cận. Cuốn sách tập hợp gần 60 bài được viết vào những thời điểm khác nhau.

Như chủ ý của tác giả bộc bạch qua Lời nói đầu, sau hơn 35 năm đổi mới, đã có nhiều công trình nghiên cứu bao quát các vấn đề báo chí - truyền thông và diện mạo báo chí đất nước. Dù vậy, so với mảng sách về lý luận báo chí truyền thông và đạo đức nghề nghiệp dạy trong các trường đại học và sau đại học báo chí, loại sách kỹ năng nghề nghiệp vẫn còn thưa thớt. Đây là nhu cầu thiết thực của hàng vạn người làm báo trong cả nước, trong khi các khoa báo chí, truyền thông không đủ điều kiện trang bị cho sinh viên trước khi ra trường.

Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí đã bù đắp khoảng trống này bằng việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chủ yếu là mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng làm báo qua kinh nghiệm làm nghề của các giảng viên nhà báo.

Người viết bài Đọc sách này xin phép nói luôn, trong số các giảng viên nhà báo đó, Tiến sĩ Trần Bá Dung là một trong những người được nhiều cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương chèo kéo. Báo chí truyền thông - Những góc tiếp cận là ấn phẩm tuyển chọn một số bài tác giả công bố trong thời gian qua. Sách chia làm ba phần: 1. Một số vấn đề về lý thuyết, 2. Kỹ năng làm báo, 3. Đạo đức nghề nghiệp. Cuối cùng là Phụ lục gồm các bài tác giả trả lời phỏng vấn trên báo chí về báo chí, truyền thông về cùng chủ đề.

Với cấu trúc như trên, công trình của Tiến sĩ Trần Bá Dung là một tập hợp đồ sộ và đa dạng kho tàng kiến thức về báo chí, truyền thông cả về mặt lý luận và kinh nghiệm tác nghiệp. Xem lướt qua Mục lục in ở cuối sách, người đọc có thể hình dung đặc trưng nổi bật ở công trình này. Đầu đề mỗi chương sách có khi đủ rộng để từ đó gợi ý làm một cuốn sách riêng, chí ít là một chương sách dày, bên cạnh những câu chuyện mỏng tựa lát cắt cuộc sống hằng ngày.

Từ “Tác động của xu thế phi đại chúng hóa đối với truyền thông đại chúng” qua “Truyền thông đa nền tảng, nhìn từ báo chí Đức” đến những lát cắt nhẹ nhàng “Công chúng Hà Nội với truyền hình”“Ứng xử của công chúng Hà Nội với báo in”, v.v... Đặc biệt, trong phần Kỹ năng làm báo, tác giả dành nhiều trang nghiên cứu, phân tích sâu về các phong cách báo chí, kỹ năng làm báo của một số nhà báo trong nước, ở nhiều thể loại và góc tiếp cận khác nhau.

Tôi thích thú đọc đi đọc lại bài viết về sự nghiệp báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, in lần đầu trên Tạp chí Báo chí - Tuyên truyền năm 2004, dùng lại trên www.nguoilambao.vn năm 2021. Riêng câu: “Làm một số báo cũng giống như tổ chức đánh một trận hiệp đồng” là câu nói để đời của vị Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Chàng trai Võ Nguyên Giáp (thời đi học ông mang tên Võ Giáp) bắt đầu có bài đăng báo khi mới 14 tuổi. Do hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở Huế và trong cả nước đòi thực dân Pháp trả tự do cho chí sĩ Phan Bội Châu bị chúng bắt, kết án tù chúng thân rồi dẫn giải về giam lỏng tại Huế, chàng trai cùng một số bạn học bị thực dân Pháp đuổi khỏi Trường Quốc học. Ông nảy ý định viết một bài báo với tiêu đề “Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học”. Phải viết bằng tiếng Pháp mới có thể công bố qua báo chí, và phải gửi vào Sài Gòn đăng tờ báo tiếng Pháp L’Annam do Luật sư Phan Văn Trường chủ trì, một trong số mấy tờ báo vẫn công khai đả kích các chính sách của thực dân Pháp tại Đông Dương. Bài báo gây tiếng vang trong dư luận. “Mối duyên nợ của tôi với báo chí bắt đầu từ đây”, Đại tướng nói. “Duyên nợ với báo chí” là lời Bác Hồ nói với các nhà báo tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam. Đại tướng nghĩ trường hợp của mình cũng là “duyên nợ” bởi sau sự cố buộc chàng trai bỏ dở việc học ở nhà trường, chàng sớm trở thành người cộng tác thân cận của nhật báo Tiếng dân do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập và chủ trì.

Người viết bài Đọc sách này vinh dự được thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam trao Huy chương (nay gọi là Kỷ niệm chương) Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là một trong ba nhà lãnh đạo làm báo không chuyên đầu tiên được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương cao quý vốn dành cho những người làm báo chuyên nghiệp đã trải qua ít nhất 25 năm tác nghiệp không ngừng. Sau khi đứng nghiêm đón tấm Kỷ niệm chương tôi trân trọng cài lên ngực bộ áo quần ký giả mặc mùa hè khá phổ biến hồi bấy giờ, Đại tướng thân mật chuyện trò với các bạn. Ông kể vắn tắt một số mẩu chuyện vui trong cuộc đời tác nghiệp báo chí của mình. Dù không ai nói ra, riêng việc ông mặc bộ áo ký giả để đón nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí đã là việc làm có cân nhắc.

Một cuộc đời đồ sộ gắn kết hai sự nghiệp võ và văn. Chắc không nhiều người rõ vị Đại tướng lừng danh, người gắn bó suốt đời với nghề cầm bút đã cho ra đời gần 300 bài báo đã đăng, 79 đầu sách đã in, một số cuốn tái bản nhiều lần.

Nhận Kỷ niệm chương, Đại tướng tâm sự: “Có thể nói, suốt quá trình sáu mươi năm hoạt động cách mạng, tôi không bao giờ xa rời công tác báo chí”.

Bài viết của Trần Bá Dung sau khi đọc bộ sách “Giữ lửa” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh tìm hiểu những bí quyết đã đưa nhà báo, nhà thơ giữ và truyền được nhiệt huyết “chan hòa lửa báo với hơi văn” suốt mấy chục năm ròng.

Tác giả dành hơn 75 trang sách cho phần III luận bàn về “Đạo đức nghề nghiệp”. Về đạo đức báo chí truyền thông, Văn kiện chính thức của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO gọi là “Đạo đức trong thông tin và truyền thông”. Nói cách khác, nó tương tự như khái niệm về văn hóa nói chung, rộng hay hẹp tùy quan niệm của từng người, đặc biệt tùy bối cảnh ta luận bàn về chủ đề ấy. Trần Bá Dung nói rõ từ đầu, ông bàn chuyên về Đạo đức nghề nghiệp.

Tương tự hai phần trước, Phần III cũng mang dáng dấp tác giả “gặp đâu nói đó, cần gì nói nấy”, người học hỏi gì, người giảng dạy giải đáp luôn câu hỏi. Từ những chủ đề rường cột “Nhà báo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, “Phản biện phải vì lợi ích quốc gia” đến các lát cắt cuộc sống hằng ngày đậm tính thời sự như “Đạo đức báo chí trong thông tin kinh tế”, “Trao giải báo chí – Truyền lửa nhân văn”, “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân trên báo chí, nhìn từ góc độ khai thác, xử lý thông tin”, “Ảnh hưởng của thông tin trên báo mạng đối với trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo”.

Tác phẩm Báo chí truyền thông - Những góc tiếp cận là một tổng hợp những bài viết bổ ích cho các nhà báo đang hành nghề, đặc biệt các đồng nghiệp trẻ. Tuy nhiên, tôi mạnh dạn nói luôn cảm nhận của mình. Phải chăng do nội dung các vấn đề được đề cập trong sách khá đa dạng, nhiều sự việc xảy ra vào các bối cảnh và thời điểm khá xa nhau, trong khoảng thời gian ấy, cuộc sống có lắm đổi thay, đôi khi người viết khó tránh được sự thiếu nhất quán trong cách đề cập và lý giải cùng một chủ đề.

Phan Quang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/da-dang-nhung-goc-nhin-post238022.html