Đa dạng nông sản phục vụ Tết
Thời điểm này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Thái Nguyên đang đẩy mạnh sản xuất, thu hái, chế biến nông sản để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, các mặt hàng nông sản trên thị trường khá dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Cứ vào dịp Tết truyền thống của dân tộc, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh lại tất bật hơn ngày thường, bởi đây là thời điểm chè được bán ra nhiều nhất trong năm. Các sản phẩm chè đa dạng về mẫu mã, bao bì để làm quà biếu tặng và hầu như không có biến động về giá.
Ông Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), cho hay: Trong tháng Chạp, chúng tôi dự kiến bán ra thị trường gần 30 tấn chè búp khô. Với các sản phẩm chủ yếu là Lộc Đinh Trà, Nhất Tâm Trà, Trà Tôm Nõn với giá từ 550 nghìn đến 3,5 triệu đồng/kg. Lượng chè và giá bán sản phẩm của HTX ổn định so với năm ngoái. Mẫu mã, bao bì có thay đổi chút ít do nhu cầu đặt riêng của khách.
Cùng với chè, trái cây cũng là nông sản được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Khoảng giữa tháng Chạp, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh lại nhộn nhịp khách hàng, thương lái tìm đến thu mua. Theo các chủ vườn, mặc dù năm nay sản lượng cây ăn quả bị giảm do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nhưng giá bán vẫn như năm ngoái, một số ít tăng nhẹ từ 5-10 nghìn đồng/kg.
Một tuần trở lại đây, anh Ngô Văn Trường (ở xóm Na Tranh, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) phải huy động hết nhân lực trong gia đình và thuê thêm 2 lao động nữa để thu hoạch vườn cây ăn quả. Khu vườn có diện tích trên 3ha với 800 gốc bưởi, 300 gốc ổi và 400 gốc táo. Hằng năm, gia đình anh Trường cung cấp ra thị trường gần 30.000 quả bưởi, 6 tấn táo, 5 tấn ổi, đạt thu nhập trên 500 triệu đồng.
Anh Trường cho biết: Gia đình tôi chủ yếu bán khoảng 3 tháng trước và sau Tết Nguyên đán. So với Tết năm ngoái thì năm nay giá bưởi vẫn giữ ở mức 7.000-8.000 nghìn đồng/quả, còn ổi và táo khoảng 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Vào dịp Tết cổ truyền, những sản phẩm truyền thống cũng có sức hút lớn từ khách hàng. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm truyền thống của địa phương.
Năm nay, ngoài sản phẩm chính là măng khô, miến, gạo nếp, nấm hương thì HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp ATK Quang Lương, xã Phú Đình (Định Hóa) còn sản xuất thêm lạp xường hun mía, khau nhục Định Hóa, thịt lợp và thịt trâu gác bếp.
Chị Nguyễn Thị Lương, Giám đốc HTX, cho biết: Năm nay, chúng tôi chế biến sẵn các loại thịt để bày bán và giao cho một số cửa hàng kinh doanh nông sản; giá từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/kg. Việc tiêu thụ khá thuận lợi, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo ngành chức năng của tỉnh, nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm nay được đảm bảo, mức giá không biến động nhiều. Các mặt hàng nông sản chế biến sâu cũng đa dạng, phong phú và được bày bán ở các chợ truyền thống, hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi cho đến các trang thương mại điện tử.
Chị Dương Thị Huyền (ở phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) cho hay: Tôi thường đến các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn thành phố để mua hàng. Mặc dù giá có cao hơn so với ở các chợ truyền thống nhưng đổi lại sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ tem nhãn nên rất yên tâm.