Thắt lưng buộc bụng, người Trung Quốc tránh đi chơi xa dịp Tết
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình hình kinh tế ảm đạm khiến người Trung Quốc - từng là nhóm du khách tiêu nhiều nhất thế giới - chuyển sang du lịch trong nước hoặc các điểm đến gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam...
Tình hình kinh tế ảm đạm tại Trung Quốc được thấy rõ ở kế hoạch dịp Tết nguyên đán của người dân nước này khi nhiều người chọn đi du lịch trong nước hoặc các địa điểm gần ở châu Á.
Theo công ty nghiên cứu và tiếp thị số China Trading Desk, trong kỳ nghỉ lễ dài 8 ngày từ 28/1, khoảng 2,2 – 2,6 triệu người Trung Quốc có kế hoạch đi du lịch nước ngoài. Dù con số này tăng 30% so với năm trước (năm được coi là cơ sở so sánh thấp) nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch – thời điểm số lượng người du lịch nước ngoài đạt đỉnh 6,3 triệu người.
Theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch kỳ nghỉ lễ cho thấy sự thay đổi của người dân Trung Quốc theo hướng lựa chọn các địa điểm trong nước sau nhiều năm là nhóm du khách chi tiêu nhiều nhất thế giới. Sự thay đổi này khiến các hãng hàng không và khách sạn cũng như các doanh nghiệp liên quan buộc phải điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của mình.
“Du khách Trung Quốc đang kén chọn hơn khi đi du lịch”, ông Subramania Bhatt, CEO của China Trading Desk, cho biết. “Họ có xu hướng tìm kiếm giá trị và trải nghiệm hơn là chỉ tiêu tiền. Chúng ta sẽ không còn thấy thời kỳ hoàng kim khi người Trung Quốc đổ xô vào các cửa hàng xa xỉ lớn và mua cả lô túi xách nữa”.
Với những người vẫn chọn du lịch nước ngoài, địa điểm cũng chuyển sang các nước gần với Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc – nơi đồng nội tệ đang suy yếu giúp làm tăng sức mua của nhân dân tệ. Các quốc gia châu Á như Thái Lan, Malaysia cũng thu hút du khách Trung Quốc nhờ chính sách miễn thị thực và chi phí thấp. Các chuyến du lịch đắt đỏ hơn tới châu Âu và Mỹ không nằm trong danh sách lựa chọn hàng đầu của người Trung Quốc năm nay.
Trước đại dịch Covid-19, Chen Xing, nhân viên tài chính tại một công ty quản lý tài sản nhà nước ở Quảng Châu, thường xuyên bay đến châu Âu để trượt tuyết mỗi dịp nghỉ Tết. Với mức lương và thưởng ổn định, cô từng không ngại chi khoảng 10.000 USD cho mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, hai năm qua, tiền lương của Chen không tăng trong khi tiền thưởng bị giảm một nửa. Năm nay, Chen đã đợi để “săn” các chương trình ưu đãi vào phút cuối và đặt một chuyến du lịch tới Osaka (Nhật Bản). Cô lên ngân sách chỉ 2.000 USD và chọn một khách sạn có giá chỉ 300 nhân dân tệ (40 USD)/đêm, mức giá thấp hơn nhiều so với các kỳ nghỉ sang trọng mà cô từng tự thưởng cho bản thân mỗi dịp Tết trước đây.
“Điều này cho thấy tôi đang ở trong thời kỳ khó khăn. Tôi phải giảm chi tiêu cho mọi thứ nhưng vẫn muốn chi tiền để tận hưởng niềm vui, bù đắp cho những ngày chịu áp lực công việc và cuộc sống”, Chen chia sẻ.
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Fliggy, các quốc gia nằm trong bán kính khoảng 4 giờ bay từ các thành phố lớn của Trung Quốc là điểm đến được lựa chọn hàng đầu với những người muốn đi du lịch theo cách tiết kiệm hơn. Ngoài ra, cứ 4 du khách thì có 3 người đặt dịch vụ sát ngày đi (trong vòng dưới 1 tháng) để hưởng ưu đãi vào phút cuối.
Dữ liệu từ Fliggy cho thấy giá vé máy bay từ Thượng Hải đi đảo Jeju của Hàn Quốc trang tháng 1 chỉ từ 284 nhân dân tệ một chiều. Giá vé máy bay bình quân từ Trung Quốc đi Hồng Kông, cũng như giá phòng khách sạn tại Hồng Kông, đã giảm khoảng 20% so với với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái.
Theo Hiệp hội Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trong giai đoạn cao điểm dịp Tết Nguyên đán năm nay, bắt đầu từ ngày 14/1 và kéo dài 40 ngày, dự báo sẽ có khoảng 90 triệu lượt hành khách đi lại bằng đường hàng không ở cả trong nước và quốc tế. Con số này tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn so với mức tăng 51% của dịp Tết năm 2024. Sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch nghiêm ngặt, đầu năm 2023, Trung Quốc mới mở cửa trở lại hoàn toàn. Do đó, dịp Tết năm 2024, Trung Quốc chứng kiến hoạt động du lịch tăng trưởng bùng nổ.