Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ
Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ, nhất là các đặc sản, sản phẩm lợi thế của địa phương là bước khởi điểm căn bản để nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Hình thành và phát triển thương hiệu mạnh
Thời gian qua, TP. Huế đã từng bước triển khai khá đồng bộ các giải pháp phục vụ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, sản phẩm chủ lực. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định. Năm 2024, thành phố có thêm 2 chỉ dẫn địa lý “Huế” được cấp cho sản phẩm Hoàng mai Huế và sản phẩm quả thanh trà Huế. 4 chỉ dẫn địa lý Huế cấp cho các sản phẩm hiện nay đã khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm địa phương trên thị trường. Ngay cả các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sở hữu khi được trao giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như: Hoàng mai Huế, thanh trà Huế, dầu tràm Huế... càng có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đem về doanh thu, lợi nhuận cao hơn, bền vững hơn.
Ngoài chỉ dẫn địa lý, đến nay, trên địa bàn đã có 8 nhãn hiệu chứng nhận và 74 nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, có một số nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể vừa được cấp quyền bảo hộ cho các sản phẩm địa phương như: “Hành lá Hương An - Huế”; “Hội giày da phụ liệu Thừa Thiên Huế”; “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn”; “Ngư Mỹ Thạnh (hình ảnh/logo)”; nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng cổ Phước Tích, nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch, Huế - Kinh đô ẩm thực...
Việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm, dịch vụ, khu du lịch... trên địa bàn không chỉ mang giá trị về mặt pháp lý mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra điểm khác biệt của địa phương. Đồng thời, là cách thức bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên, sản vật bản địa hợp lý. Để tiếp tục tận dụng và tạo thêm những lợi thế mới, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang tích cực hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương làm thủ tục bảo hộ nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm mang thương hiệu “Huế”, như: “Nhà rường Huế (hình ảnh/logo)”, “Huế - Kinh đô áo dài (hình ảnh/logo)”, “Đặc sản Huế (hình ảnh/logo)”...
Tận dụng những sản phẩm được bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, địa phương cũng đang nỗ lực để hình thành và phát triển những thương hiệu mạnh, mang đậm nét đặc trưng riêng biệt, dấu hiệu nhận biết khác lạ mà chỉ ở Huế mới có. Điển hình như xây dựng thương hiệu một số loài cá đặc sản thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, thương hiệu hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, nhà rường, nhà vườn Huế, sen Huế, ẩm thực Huế, áo dài Huế, các sản phẩm làng nghề truyền thống Huế...
Tận dụng lợi thế để phát triển
Đại diện Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp mặc dù đã sử dụng logo, nhãn hiệu khá lâu, nhưng lại chưa đăng ký cấp quyền sở hữu trí tuệ. Phải đợi đến khi được kiểm tra, nhắc nhở hay có dấu hiệu bị vi phạm, tranh chấp, sao chép bản quyền, sáng chế, trùng lặp thương hiệu, nhãn hiệu thì đơn vị mới “tá hỏa” đi đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn, ngoài dựa vào ý thức và sự chủ động xác lập quyền bảo hộ của “chủ sở hữu” tài sản trí tuệ, Sở KH&CN đã chủ động tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cũng như giao thực hiện các đề tài KHCN về xác lập, bảo hộ thương hiệu. Riêng trong năm 2024, Sở KH&CN đã hướng dẫn cho hơn 30 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về trình tự làm và nộp đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Được trợ giúp, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân đã tránh được thiệt thòi khi tham gia sản xuất, thương mại hóa sản phẩm và đã tận dụng tối đa các kênh để xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ thương hiệu sản phẩm được bảo hộ.
Thực tế, việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên địa bàn thời gian qua đã giúp hình thành và nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ địa phương. Đồng thời đã khơi dậy những tiềm năng giá trị tài sản trí tuệ của địa phương song hành với sự phát triển của các lĩnh vực trọng điểm, lợi thế về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược liệu...
Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, sở hữu trí tuệ đã và đang dần khẳng định vị thế của một công cụ pháp lý, kinh tế quan trọng, đóng vai trò bệ đỡ trong chiến lược duy trì, nâng cao, lan tỏa danh tiếng. Đồng thời được sử dụng như tấm lá chắn giúp bảo vệ danh tiếng có được của sản phẩm, khu du lịch, dịch vụ... ở địa phương.
Để cụ thể hóa, ngành KHCN đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và chuẩn bị tiếp đến năm 2030. Qua đó, thành phố đã xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng, đăng ký bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ. Đồng thời triển khai những hành động thiết thực nhằm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từng bước tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của địa phương trên thị trường trong nước và xuất khẩu.