Đã đến lúc đánh thuế trên từng giao dịch vàng?

Về nguyên tắc, bất kỳ hoạt động đầu tư nào có phát sinh lợi nhuận đều phải nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều cá nhân đầu tư vàng với lợi nhuận thu về lên tới cả tỷ đồng lại vẫn chưa nằm trong danh sách nộp thuế.

Lãi tiền tỷ không phải đóng thuế

Giữa tháng 5/2024, anh Hoàng Tú (Long Biên, Hà Nội) mang 10 lượng vàng SJC đi chốt lời. Số vàng này được anh Tú mua với giá 77,5 triệu đồng/lượng vào ngày “vía Thần Tài” năm nay. Sau hơn 2 tháng, anh Tú bán ra với giá 89 triệu đồng/lượng, “chốt lời” 115 triệu đồng.

Cùng thời điểm đó, mạng xã hội xôn xao trước thông tin nữ đại gia Đoàn Di Băng bán chốt lời 100 lượng vàng miếng SJC khi giá vàng lên 92 triệu đồng/lượng. Theo lời kể của cô, thời điểm cô mua vào, giá vàng chỉ ở mức 57 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc nữ đại gia này thu về 3,5 tỷ đồng. Đáng nói là cả hai trường hợp này, dù thu cả tỷ đồng lợi nhuận nhờ bán vàng miếng, nhưng vẫn không phải đóng thuế.

Giữa lúc các kênh đầu tư khác vẫn ảm đạm, giá vàng tăng như vũ bão và trở thành kênh đầu tư sinh lời, thu hút nhiều người dân. Ngoài nhu cầu tích trữ, thị trường bắt đầu xuất hiện những cá nhân đầu cơ, ôm vàng để kiếm lời. Dễ nhận thấy trong những ngày 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC bán vàng giá bình ổn, có nhiều cá nhân mang tiền tỷ, thậm chí là cả bao tải tiền đến để mua vàng.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng đã tăng tới 22,95%. Còn theo thống kê của AFA Capital, tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2024, vàng là kênh đầu tư sinh lợi nhiều nhất với mức lợi suất 14,69%, cao hơn cổ phiếu (10,95%), trái phiếu (2,45%) và tiền gửi tiết kiệm (1,28%). Thế nhưng, dù có tỷ suất sinh lời vượt qua nhiều kênh đầu tư khác nhưng những cá nhân đầu tư vàng lại không phải đóng thuế.

Nếu như nhiều quốc gia trên thế giới xem vàng miếng là một loại hàng hóa thông thường và đánh thuế thì tại Việt Nam, những người đầu tư vàng miếng, mua đi, bán lại để kiếm hàng tỷ đồng tiền lời nhưng không phải đóng thuế. Không quá lời khi nói thị trường vàng Việt Nam là thiên đường cho những người đầu tư vàng miếng khi được “ăn cả gốc lẫn ngọn”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Trước đây, phần lớn người dân chỉ mua vàng với mục đích tích trữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là khi giá vàng liên tục tạo sóng thì đã xuất hiện nhiều cá nhân đầu cơ, lướt sóng để ăn chênh lệch. Về nguyên tắc, một khi đã là hoạt động đầu tư có phát sinh lợi nhuận đều phải nộp thuế”.

GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng đặt ra câu hỏi rằng tại sao đầu tư vào chứng khoán, bất động sản đều phải nộp thuế mà đầu tư vào vàng lại không phải nộp thuế. “Trong những năm gần đây, đầu tư vào vàng thu được lợi nhuận rất cao, thậm chí là gấp nhiều lần các kênh đầu tư khác nhưng lại không phải nộp thuế. Điều này là vô lý”, ông Đạt nhấn mạnh.

Đánh thuế sao cho “trúng”?

Với mức lợi nhuận cao, rõ ràng, việc thu thuế với nhóm cá nhân đầu tư vàng sẽ mang lại khoản lợi không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với đặc trưng riêng biệt của thị trường vàng nước ta, vẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng để có thể đánh thuế hoạt động đầu tư một cách hợp lý.

Đối với nhiều người Việt, thói quen tích trữ vàng đã trở thành một phần văn hóa tài chính lâu đời. Người Việt thường mua vàng miếng hoặc vàng nhẫn tròn trơn để tích trữ, xem như một tài sản tích trữ an toàn, ít bị ảnh hưởng trước những biến động của thị trường tài chính tiền tệ. Văn hóa tích trữ vàng này có thể làm khó cơ quan thuế khi xác định xem đâu là hoạt động mua bán vàng mang tính chất tích trữ thuần túy và đâu là hoạt động mua bán vàng mang tính chất đầu tư.

Ở nhiều quốc gia có quy định đánh thuế với cá nhân đầu tư vàng, cơ sở để nhà điều hành đưa ra mức thuế phù hợp được dựa trên thời gian nắm giữ vàng của cá nhân đó. Ví dụ, tại Đức, những người bán vàng miếng trong vòng 1 năm sau khi mua, dù số lượng ít hay nhiều, đều bị xem là nhà đầu tư. Khoản lợi nhuận từ bán vàng sẽ được tính vào thu nhập hàng năm và chịu thuế theo khung thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nếu như người mua giữ vàng hơn 1 năm rồi mới bán thì sẽ không bị đánh thuế. Đây là cách Đức hạn chế tình trạng đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường vàng.

Tương tự, Ấn Độ cũng dựa vào thời gian nắm giữ vàng để xác định cách tính thuế đối với người đầu tư vàng. Nếu thời gian nắm giữ vàng dưới 3 năm, chính phủ Ấn Độ sẽ áp dụng theo cách tính giống với chính phủ Đức, tức cộng lợi nhuận bán vàng vào thu nhập hàng năm và đánh thuế dựa trên thu nhập cá nhân. Còn những người bán vàng sau hơn 3 năm nắm giữ và thu được lợi nhuận sẽ bị áp mức thuế 20%. Tuy nhiên, người bán có thể được miễn thuế nếu sử dụng toàn bộ lợi nhuận thu được để mua trái phiếu của chính phủ hoặc đầu tư vào bất động sản.

Tại Pháp, chính phủ nước này áp dụng mức thuế suất cố định 6,5% đối với vàng trang sức hoặc 11,5% đối với vàng xu, vàng miếng khi giao dịch bán vàng có giá trị vượt quá 5.000 euro (khoảng 138 triệu đồng). Nếu nắm giữ vàng từ 22 năm trở lên, người bán sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Do đó, người mua bán vàng tại Pháp luôn quan trọng hóa đơn để chứng minh thời gian giữ vàng. Ngoài ra, nếu không có hóa đơn, các cửa hàng vàng sẽ mua vào với mức giá rẻ hơn giá thị trường.

Từ những ví dụ này, cơ quan thuế ở nước ta có thể dựa vào thời gian nắm giữ vàng để xác định xem đây là hoạt động đầu tư hay hoạt động tích trữ vàng, từ đó đưa ra mức thuế phù hợp, vừa đảm bảo được lợi ích của các bên, vừa để thị trường vàng phát triển lành mạnh.

Song, dù xác định được những cá nhân đầu tư vàng thì chuyện đánh thuế vẫn khó khả thi ở thời điểm hiện tại, nhất là khi người dân lẫn doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa có thói quen lấy/xuất hóa đơn điện tử. Nhiều giao dịch mua bán vàng vẫn diễn ra với một tờ giấy viết tay “sơ sài” thông tin mà không cần đến hóa đơn thanh toán.

TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế chỉ ra, theo Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022. Nếu không muốn thất thu thuế từ hoạt động đầu tư vàng, điều kiện tiên quyết là phải làm chặt chẽ việc xuất hóa đơn điện tử.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ra nhiều chỉ thị liên quan đến xuất hóa đơn điện tử đối với giao dịch mua, bán vàng. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6.

“Với những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, các tiệm vàng không thể lần lữa, trốn tránh xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua, bán vàng nữa. Sự thay đổi này sẽ là tiền đề để tiến đến đánh thuế hoạt động kinh doanh vàng, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Đầu tư vàng khi đó sẽ là hoạt động ích nước, lợi nhà”, một chuyên gia nhận định.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/da-den-luc-danh-thue-tren-tung-giao-dich-vang-d112353.html