Đã đến lúc đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp khu vực
Đây là thời điểm thích hợp để tạo cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN cùng hợp tác làm ăn trong bối cảnh mới.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam, khu vực và toàn cầu. Trong những tháng gần đây, sự lây lan nhanh chóng của chủng Delta đã tạo thách thức lớn hơn cho các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Việc các nước trong khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội gây khó khăn cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đứng trước nguy cơ đứt gãy, chi tiêu người tiêu dùng suy giảm...
“Trong giai đoạn này cần doanh nghiệp các nước chung sức cùng chính phủ để vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế”, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Singapore Mai Phước Dũng nhận định tại sự kiện “Triển vọng kinh tế Việt Nam – Xác định lại khả năng phục hồi kinh doanh giữa bối cảnh Covid-19” do Hội các Nhà quản trị Việt Nam (VACD) và Liên minh kinh doanh Trung Quốc - ASEAN (CABA) phối hợp tổ chức.
Theo ông Dũng, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh, bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế. Ngân hàng thế giới dự báo nhiều thách thức trong giai đoạn trước mắt nhưng triển vọng tốt trong dài hạn.
Chín tháng đầu năm 2021, có 94 quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với 6,3 tỷ USD, chiếm gần 29%.
Vị đại sứ cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn và cả gặt hái được một số thành quả, các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần chia sẻ cách làm, đồng thời thúc đẩy hoạt động hợp tác, đóng góp khuyến nghị cụ thể của các doanh nghiệp.
Ông Dũng hoan nghênh sự hợp tác giữa CABA và VACD kể từ tháng 9/2020 cùng sáng kiến của hai tổ chức nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua các hoạt động hợp tác về thương mại và và đầu tư, tạo điều kiện vững chắc để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tìm kiếm được nhiều cơ hội.
Ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO), Phó chủ tịch VACD chia sẻ, sự hợp tác được hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập trong khu vực thông qua các hoạt động hợp tác về thương mại, đầu tư, từ đó tạo mối liên kết vững chắc để các doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức, tìm kiếm cơ hội và hướng tới phát triển bền vững.
Theo ông Teng Theng Dar, Đại sứ không thường trú của Singapore tại Oman, nhà sáng lập Asia Entrepreneurs Exchange, từ năm ngoái, thách thức lớn nhất của những người làm kinh doanh là phải đối mặt với những thứ không lường trước được và cũng khó dự đoán. Đến nay, sự khác biệt mà vaccine mang lại đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về vấn đề, có những tín hiệu đáng mừng hơn sau một thời gian u tối kéo dài.
Ông Teng cho rằng, các nước ASEAN đến thời điểm này đã có thể khởi động lại guồng máy sản xuất, có sự tự tin nhất định khi vaccine dần được phủ khắp để dần phục hồi kinh doanh, song song với việc theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Điều quan trọng là phải làm quen với bình thường mới.
Singapore đã có các quyết định nhanh chóng trong việc mở cửa biên giới và nhiều nước khác cũng đã có quyết định sống chung với Covid. Đây là thời điểm phải ra quyết định dựa trên thực trạng, khoa học và nhận định của các chuyên gia để mở cửa nền kinh tế một cách hiệu quả nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh.
“Đây là cơ hội và thời điểm thích hợp để tạo cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN cùng hợp tác làm ăn trong bối cảnh mới”, ông Teng nói.
Kiểm soát tài chính mùa dịch bệnh
Mỗi thị trường có những đặc điểm khác nhau, hành vi người tiêu dùng sau một thời gian dịch bệnh kéo dài cũng đã thay đổi, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và thực sự thấu hiểu thị trường, trong đó có bối cảnh văn hóa để đưa ra chiến lược đầu tư, kinh doanh đúng đắn. Điều quan trọng là phải thực sự hiểu người tiêu dùng.
“Đừng chỉ nhìn vào GDP, dân số mà phải xem sản phẩm và hướng đi của doanh nghiệp có phù hợp với thị trường mới hay không”, ông Benjamin Yap, đối tác cấp cao của RHTLaw Việt Nam đồng tình.
Mô hình liên kết, hợp tác giữa CABA và VACD nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thấu hiểu lẫn nhau và trao đổi cơ hội hợp tác là một hình mẫu cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực để cùng nhau gia tăng sức mạnh, vượt qua khó khăn và khai thác tốt thị trường khu vực.
Ông Teng lưu ý, dù là doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa hay doanh nghiệp có định hướng bắt tay với các đối tác khu vực để tiến ra các thị trường mới thì cũng luôn cần có sự kiên cường trong hoạt động kinh doanh. Quan trọng nhất phải là phát triển bền vững.