Đã đến lúc gắn 'chíp trách nhiệm'
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền có giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật…
Tuy nhiên, thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra hàng loạt vụ xâm hại, đánh cắp bảo vật, gây tổn thất nghiêm trọng cho di sản văn hóa quốc gia.
Thống kê từ năm 2009 đến nay cho thấy, có 20 di tích tại Hà Nội đã bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý. Tại tỉnh Bắc Giang, hơn 15 năm qua đã xảy ra 62 vụ trộm cắp tại di tích. Hàng trăm cổ vật như tượng, sắc phong, câu đối, chuông, lư hương... đã bị mất.
Nhiều di tích tại các địa phương khác như Khánh Hòa, Hải Phòng, Thái Bình... cũng bị kẻ gian đột nhập, lấy đi nhiều cổ vật quý. Đáng chú ý, mới đây, dư luận rất bức xúc khi trong vòng chưa đầy một tháng đã liên tiếp xảy ra 2 vụ việc di sản văn hóa bị xâm hại. Trong đó, ngày 3-5, Lăng mộ Vua Lê Túc Tông - Di tích lịch sử cấp quốc gia tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị đào bới, phá vỡ bia đá. Ngày 24-5, Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế bị xâm hại…
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều địa phương thiếu nguồn lực giám sát, cơ quan chức năng không đủ nhân lực và kinh phí để kiểm tra, bảo vệ các di tích trên phạm vi rộng. Hệ thống hồ sơ di sản và cổ vật còn chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc truy vết cổ vật bị đánh cắp. Ngoài ra, việc xử lý chưa đủ sức răn đe, một số vụ việc bị phát hiện nhưng mức xử phạt nhẹ, dẫn đến tình trạng tái phạm.
Trước thực trạng này, nhất là sau vụ việc Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế bị xâm hại, ngày 25-5-2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 4623/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, yêu cầu xử lý thông tin phản ánh về bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn". Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh, theo đúng quy định của pháp luật.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan, địa phương có di tích là cần xây dựng phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng di tích, bảo vật quốc gia; chú trọng biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc bảo vệ, trong đó phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của người dân và nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật quốc gia.
Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ cổ vật, đã đến lúc cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và ban quản lý các di tích. Theo các chuyên gia, để chống trộm cắp, xâm hại di tích đình, đền, chùa thì gia cố lại hệ thống cửa bảo vệ chỉ là hình thức. Vấn đề là chính quyền địa phương và ban quản lý di tích phải làm hết trách nhiệm để trông coi di tích và các hiện vật bên trong. Nguyên tắc này được áp dụng không chỉ ở các di tích mà còn ở cả hệ thống các thiết chế văn hóa khác. Có tài sản thì trách nhiệm là phải trông coi, không thể để mất, hỏng rồi mới đi tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm.
Bảo vật quốc gia không chỉ là di sản quá khứ mà còn là sức mạnh mềm của hiện tại và tương lai. Việc quản lý chặt chẽ không những bảo tồn giá trị của bảo vật, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, mà còn giúp di sản được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/da-den-luc-gan-chip-trach-nhiem-703608.html