Đã đến lúc 'gạn đục, khơi trong' dòng vốn FDI

Hơn 30 năm thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam đã đạt được những con số rất ấn tượng, nhưng đã đến lúc cần có sự sàng lọc kỹ càng, 'gạn đục, khơi trong' các dự án để dòng vốn FDI thực sự 'trong' và chất lượng, không ảnh hưởng tới môi trường.

Như Vnbusiness đưa tin, hôm thứ Tư tuần này, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có buổi tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO Carsten Rasmussen đang có chuyến công tác tại Việt Nam để thúc đẩy công tác chuẩn bị cho dự án của tập đoàn với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Cam kết “xanh” của các “ông lớn”

Theo dự kiến của LEGO, một nhà máy "khổng lồ" trên diện tích tới 44ha sẽ chính thức được khởi công tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) 3 (thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đây là một trong những nhà máy đầu tiên của cả nước sẽ đáp ứng 100% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên do LEGO đầu tư. Không chỉ vậy, LEGO cũng cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy.

Các dự án đầu tư "xanh" của doanh nghiệp FDI luôn được Việt Nam chào đón.

Các dự án đầu tư "xanh" của doanh nghiệp FDI luôn được Việt Nam chào đón.

Phó thủ tướng khẳng định, sẽ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo LEGO để kết nối dự án này và mong muốn các bộ, ngành và tỉnh Bình Dương cùng Tập đoàn LEGO tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để có thể khởi công dự án vào tháng 11 năm nay theo đúng kế hoạch đề ra.

Trước đó, ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, Nestlé Việt Nam là công ty đầu tiên thực hiện đầu tư xanh khi quyết định thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy có chứng nhận Quản lý rừng bền vững FSC. Bắt đầu thử nghiệm từ tháng 3/2020 với các sản phẩm uống liền như Milo Breakfast và Nesvita 5 loại đậu. Quý 2/2021 công ty đã áp dụng và thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền của Nestlé. Dự án bao bì này đã giúp Nestlé giảm thiểu trung bình khoảng 700 tấn nhựa dùng trong sản xuất mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu Trung Hòa Nhựa đến năm 2025, các thành viên của tập đoàn Nestlé tại Việt Nam, bao gồm công ty La Vie Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các đối tác và tổ chức tập trung thực hiện các sáng kiến và dự án nhằm: Giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì; Thực hiện mô hình tuần hoàn đối với chai nước Lavie 19 lít; Tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom và tái chế nhựa rPET đủ tiêu chuẩn dùng cho ngành thực phẩm; Hợp tác với đối tác thu gom vỏ hộp sữa đã sử dụng để tái chế; Tăng cường thu gom bao bì nhựa và vỏ hộp đã sử dụng để tái chế thông qua Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam); Hỗ trợ máy phân loại rác thải nhựa cho đối tác để cải thiện việc thu gom và phân loại nhựa có giá trị thấp, khó tái chế và chất thải nhựa không thể tái chế; Thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Còn với tập đoàn Qualcomm, khi đầu tư vào Việt Nam cũng đã công bố cam kết của mình để thực hiện chuyển đổi xanh, đến năm 2030, sẽ giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2040.

“Chiến lược chính của doanh nghiệp là áp dụng tối đa các biện pháp công nghệ mới nhất để giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường”, đại diện Qualcomm nói .

Doanh nghiệp FDI có công nghệ hiện đại chỉ khoảng 5%

Nhưng số lượng các doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến, gắn liền với cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo tăng trưởng bền vững như trên so với số dự án đầu tư FDI vào Việt Nam còn chưa nhiều. Phần lớn các cam kết xanh chỉ đến từ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, uy tín. Còn rất nhiều các nhà đầu tư cỡ vừa, nhỏ… còn chưa thực sự quan tâm tới câu chuyện “xanh hóa” dòng vốn đầu tư của họ.

Số dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển (như Mỹ và châu Âu) vào Việt Nam khá ít. Số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và Châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80%, công nghệ lạc hậu vẫn chiếm… 15%.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Trong tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng bộ tiêu chí về thu hút đầu tư FDI có chọn lọc mới đây, Bộ KHĐT đã chỉ ra hàng loạt hạn chế. Theo đó, hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD/ha. Công nghệ sử dụng tại các doanh nghiệp FDI hiện nay không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình trong khu vực.

Chưa hết, trong một báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của hơn 25.100 doanh nghiệp FDI đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của Bộ Tài chính ghi nhận hơn 14.100 doanh nghiệp FDI khai báo lỗ, chiếm 56% tổng số doanh nghiệp. Tổng số lỗ của các doanh nghiệp lên tới 151.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp khai báo lỗ này vẫn đạt khoảng 2,47 triệu tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2019. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI đang báo lỗ trong năm 2020 đạt 1,07 triệu tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Một kết quả khảo sát diện hẹp của Bộ Khoa học và công nghệ tại một số khu công nghiệp trên cả nước cũng chỉ ra rằng, số doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại rất thấp, chỉ khoảng 5%.

Các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có công nghệ ở mức trung bình, khoảng 80% số doanh nghiệp, trong đó từ 30 - 40% sử dụng công nghệ xuất xứ Trung Quốc. Số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu hiện nay chiếm khoảng 15%, dẫn tới nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên.

Theo một kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường tại 28 tỉnh phía Bắc trong các năm 2017, 2018 và 2019 thì tỷ lệ doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên trong các năm. Cụ thể, năm 2017 có 12/27 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 44,5%; năm 2018 có 14/25 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 56% và năm 2019 là 13/19 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 68%.

Dư luận hẳn chưa quên sự vụ của Formosa, với sự vô trách nhiệm của mình trong sản xuất đã xả thẳng chất thải ra môi trường biển khiến cho vùng biển miền Trung Việt Nam đã bị ô nhiễm nặng nề. Những hệ lụy mà các DN nước ngoài gây ra đối với Việt Nam không chỉ làm tổn hại về mặt môi trường mà còn để lại những hệ lụy lâu dài.

Trao đổi tại lễ công bố “Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” hôm 10/5 vừa qua, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói rằng, số dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển (như Mỹ và châu Âu) vào Việt Nam khá ít, đồng thời số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn chưa đáng kể. Cụ thể, số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và Châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80%, công nghệ lạc hậu vẫn chiếm… 15%.

“Chính phủ cần sớm ban hành Quyết định về Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI, chỉ đạo các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI,” giáo sư nói.

Có lẽ, đã đến lúc các Bộ, ngành, địa phương phải “soi” kỹ các dự án FDI, kiên quyết loại bỏ những dự án chất lượng thấp, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút FDI như: công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển, kinh tế xanh… Đặc biệt, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một “bộ lọc” nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để giữ vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Đức Anh

Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn đăng ký 150-200 tỷ USD, vốn thực hiện 100-150 tỷ USD; tương ứng giai đoạn 2026-2030 là 200-300 tỷ USD và 150-200 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam chủ trương thu hút FDI vào kinh tế xanh cũng như quá trình chuyển giao công nghệ xanh (tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/da-den-luc-gan-duc-khoi-trong-dong-von-fdi-1085363.html