Đã đưa đàn bò đi lạc ra khỏi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai an toàn
Ngay sau khi xuất hiện thông tin có đàn bò đi lạc vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại Km254 thuộc địa phận phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiếp cận và đưa ra khỏi đoạn đường để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ Công ty TNHH Xây dựng Minh Đức (đơn vị vận hành, bảo trì đoạn đường từ Km 244+155 đến Km 262+353), vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 6/4, lực lượng tuần đường phát hiện đàn bò 11 con đi lạc lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tại Km254 thuộc địa phận phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai. Ngay sau đó, Tổ vận hành của Công ty TNHH Xây dựng Minh Đức đã thông tin với chính quyền địa phương và Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường cao tốc số 1, Cục Cảnh sát Giao thông Bộ Công an, triển khai lực lượng đưa đàn bò ra khỏi cao tốc để đảm bảo an toàn giao thông và không gây ách tắc trên tuyến.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Khắc Khương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Minh Đức cho biết, hiện nay đàn bò đã được đưa ra khỏi cao tốc và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, đồng thời tìm chủ của đàn bò để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thả gia súc đi vào đường cao tốc sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật như sau: Đối với trường hợp để cho trâu bò đi vào đường cao tốc chỉ dành cho xe cơ giới thì cá nhân (người điều khiển, dẫn dắt súc vật) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Để trâu bò đi vào đường cao tốc mà gây ra tai nạn giao thông thì người điều khiển, dẫn dắt súc vật có phải bồi thường không?
Căn cứ Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra như sau:
Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Theo quy định trên thì trong trường hợp cá nhân để trâu, bò đi vào đường cao tốc dẫn đến tai nạn giao thông thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.