Nâng cao kỹ năng số từ phong trào 'Bình dân học vụ số'

Chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc thu hẹp khoảng cách số giữa các nhóm dân cư. Tại Lào Cai, phong trào 'Bình dân học vụ số' đã trở thành một trong những giải pháp tiên phong, giúp phổ cập kỹ năng số cho tất cả người dân. Với sự tham gia tích cực của lực lượng thanh niên, phong trào này không chỉ mang lại những thay đổi rõ nét về nhận thức mà còn thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng.

Tháng 3 vừa qua, Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025, thu hút hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên tham gia cả trực tiếp và trực tuyến. Ngay sau lễ phát động, phong trào đã được triển khai sâu rộng tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với 3 nội dung trọng tâm: Phổ cập kỹ năng số cơ bản, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin trên không gian mạng (trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phòng tránh lừa đảo và nhận diện thông tin xấu, độc).

Chị Lừu Thị Nống, thôn Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai là một trong những người dân hưởng ứng tích cực phong trào “Bình dân học vụ số”. Trước đây, chị Nống sử dụng điện thoại thông minh chỉ để nghe, gọi và xem tin tức giải trí. Chị Nống chia sẻ: Từ lúc biết đến ứng dụng VNeID, tôi thấy rất tiện. Mỗi khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính, tôi không cần mang giấy tờ nhiều, chỉ cần dùng điện thoại và đăng nhập ứng dụng là đã có đầy đủ thông tin cần thiết.

Để phong trào thực sự lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Huyện đoàn Si Ma Cai đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế tại địa phương. Anh Đoàn Duy Toàn, Phó Bí thư Huyện đoàn Si Ma Cai cho biết: Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc tuyên truyền phải dễ hiểu. Cách làm mới, sáng tạo của Ban Thường vụ Huyện đoàn là thu âm bằng tiếng dân tộc thiểu số các nội dung sau đó tuyên truyền lưu động để bà con nghe, hiểu và làm theo.

Chỉ tính riêng trong Tháng Thanh niên 2025, toàn tỉnh đã triển khai 152 đội hình “Bình dân học vụ số”, tổ chức 201 buổi tập huấn với sự tham gia của 15.528 người dân. Đoàn viên, thanh niên (lực lượng nòng cốt của các tổ công nghệ số cộng đồng) đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người dân, hỗ trợ tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các ứng dụng thiết yếu phục vụ đời sống. Từ chỗ e dè, nhiều người dân nay đã chủ động hỏi, học sử dụng các kỹ năng số cơ bản.

Chúng tôi xác định “Bình dân học vụ số” không chỉ là phong trào, mà là hành trình lâu dài, nhằm phổ cập và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào từng ngõ ngách của đời sống.

Anh Hoàng Mạnh Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai

"Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên trẻ tại chỗ và đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng hỗ trợ học tập linh hoạt nhằm đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân. Tuổi trẻ Lào Cai cam kết tiếp tục tiên phong, đồng hành với cộng đồng trên hành trình hội nhập số, vì một xã hội số toàn diện, bao trùm và nhân văn", anh Hoàng Mạnh Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho biết thêm.

Để phong trào đạt hiệu quả cao, Tỉnh đoàn đang triển khai một số giải pháp nhằm khơi dậy tinh thần xung kích của thanh niên và tăng cường hiệu quả hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số. Theo đó, Tỉnh đoàn đã đưa nội dung tham gia tổ công nghệ số cộng đồng và hỗ trợ phổ cập kỹ năng số vào tiêu chí thi đua, đánh giá, khen thưởng cuối năm của tổ chức đoàn các cấp. Những cá nhân, mô hình tiêu biểu trong phong trào sẽ được tuyên dương tại “Ngày hội chuyển đổi số” cấp tỉnh, nhằm lan tỏa tinh thần trách nhiệm và tự hào của đoàn viên. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho thanh niên tình nguyện, giúp họ trang bị những kỹ năng cần thiết như sử dụng nền tảng số, hướng dẫn người cao tuổi ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin. Ngoài ra, nhiều mô hình hỗ trợ sáng tạo như “1 thanh niên - 1 hộ dân”, “Kiosk số lưu động” hay “Buổi học số cuối tuần” đang được triển khai, tạo sự gắn bó giữa đoàn viên và cộng đồng, đồng thời giúp người dân dễ dàng tiếp cận công nghệ số. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chính tổ chức đoàn (từ quản lý đoàn viên đến tổ chức họp và sinh hoạt qua nền tảng số) cũng góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số, tạo môi trường làm việc hiện đại và năng động.

Với sự sáng tạo và nhiệt huyết của thanh niên, phong trào “Bình dân học vụ số” tại Lào Cai đang từng bước đi vào chiều sâu, tạo sự thay đổi tích cực trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội số phát triển bền vững, toàn diện.

Thúy Phượng - Lê Nam

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-ky-nang-so-tu-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-post402174.html