Đà hồi phục của đồng yên đang gây biến động trên khắp các thị trường
Sự phục hồi đáng kinh ngạc của đồng yên đang làm đảo lộn thị trường toàn cầu, kéo đồng nhân dân tệ tăng cao hơn và tác động mạnh đến tài sản từ cổ phiếu Nhật Bản sang vàng và Bitcoin khi các nhà đầu tư đánh giá lại tỷ lệ đòn bẩy.
Đồng yên đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng vào thứ Năm (25/7) và sau đó hạ nhiệt trở lại, phản ánh những kỳ vọng đang gia tăng rằng khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có khả năng sẽ thu hẹp. Kể từ khi đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào đầu tháng này, đồng yên đã tăng gần 5% so với đồng bạc xanh.
Đồng yên mạnh hơn - gây tổn hại đến các nhà xuất khẩu của Nhật Bản - đã đưa chỉ số Nikkei 225 vào giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật.
Đồng yên tăng đã tác động tới các đồng tiền khác và thị trường tài chính. Cụ thể, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng với việc đồng nhân tệ ở nước ngoài tăng 0,4% so với đồng USD khi đóng cửa ngày thứ Năm. Trong khi đó, Bitcoin đã giảm gần 4% vào ngày 25/7 trước khi thu hẹp mức lỗ và vàng cũng giảm hơn 1%.
Việc đồng yên hồi phục cũng tạo ra sự thoái lui lớn trong chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) toàn cầu: Sử dụng các loại tiền tệ có lợi suất thấp như yên Nhật Bản để tài trợ cho các khoản đầu tư vào các loại tiền tệ có lợi suất cao hơn như peso của Mexico hoặc đô la Úc và New Zealand. Trong phiên hôm qua, đồng đô la Úc và peso Mexico đã bị bán mạnh.
"Trên thực tế, đây là một sự kiện giảm đòn bẩy lớn do tình trạng bán khống đồng yên… Những vị thế đang buộc phải thanh lý rộng rãi trên khắp các thị trường", Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.Com cho biết.
Cũng theo các chuyên gia, kỳ vọng ngày càng tăng về việc Fed nới lỏng chính sách sớm nhất là vào tháng 9 là một động lực chính khác khiến đồng yên tăng giá.
Các chiến lược gia của ING, Chris Turner cho biết: "Việc đóng các vị thế bán khống đồng yên chắc chắn đang góp phần vào môi trường tránh rủi ro toàn cầu… Chắc chắn sẽ còn nhiều vị thế thanh lý hơn nữa và dữ liệu/sự kiện trong vài ngày tới sẽ tạo ra thêm rủi ro giảm giá đối với cặp tỷ giá USD/JPY".
Calvin Yeoh, nhà quản lý quỹ tại Blue Edge Advisors cho biết: "Trong khi tính biến động trong mùa hè cao, thanh khoản lại thấp và nếu đà hồi phục của đồng yên không dừng lại, việc thanh lý các vị thế liên quan tới đồng yên sẽ dẫn đến thanh lý chéo tài sản… Điều này sẽ dẫn đến sự biến động gia tăng và buộc phải bán ra do các khoản tiếp xúc phình to trong các quỹ kiểm soát biến động".