'Đã hứa tháng 6/2025 thông xe cao tốc qua Hà Tĩnh là phải làm được'
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khi kiểm tra tiến độ thi công hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Nhà thầu cùng đua tiến độ
Sáng 20/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đi kiểm tra hiện trường hai dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Tại nút giao quốc lộ 8A, đoạn qua địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông Phạm Chiến Thắng - Giám đốc điều hành Dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long) báo cáo: Dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi có tổng chiều dài 35,28km, với tổng mức đầu tư là 7.643 tỷ đồng.
Dự án được triển khai thi công từ ngày 1/1/2023, do liên danh Tổng công ty xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng thi công.
Đến thời điểm này, các đơn vị đã đào được 1,0/1,6 triệu m3 nền đường tuyến chính, tương đương 65%; Đắp nền K95 được 1,1/4,6 triệu m3 (đạt 24%); Hoàn thành 100% các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm, 72% đoạn xử lý bằng giếng cát và thi công 75% khối lượng trụ đất xi măng.
Các đơn vị cũng đã triển khai thi công 24/25 vị trí cầu và 28/48 cống, hầm chui dân sinh. Phần cầu, các nhà thầu đã cơ bản làm xong phần cọc khoan nhồi và đang triển khai song song hai công việc: đúc dầm, cấu kiện và làm hạ bộ cầu.
"Tổng giá trị sản lượng hai nhà thầu đã thực hiện đến nay đạt 1.317 tỷ/4.873 tỷ (27%). Ban đã giải ngân 100% số vốn kế hoạch giao của năm 2023 và 46% (607 tỷ đồng)vốn kế hoạch vốn được giao năm 2024" - ông Thắng cho biết.
Đối với Dự án cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, ông Nguyễn Khắc Trung - Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long), cho biết, dự án có tổng chiều dài hơn 54,2 km đi qua các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư là hơn 9.700 tỷ đồng.
Đến nay tiến độ dự án đạt 21,81% (sản lượng 1.377,04 tỷ/ 6.314,48 tỷ đồng). Trong đó gói XL11 đạt 815,18/3.534,08 tỷ đồng (đạt 23,07%). Gói 12 đạt 562,24/2.780,40 tỷ đồng (đạt 20,22%).
Hiện tại các địa phương đã cơ bản bàn giao mặt bằng sạch đảm bảo cho các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường điện khiến việc thi công chưa được thông suốt.
"Các vị trí vướng chủ yếu ở huyện Cẩm Xuyên. Địa phương này cam kết sẽ bàn giao cho nhà thầu trong tháng 4 tới" ông Trung thông tin.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện tại các nhà thầu đã hoàn thiện cơ bản hệ thống đường công vụ dọc tuyến và đang tập trung làm mạnh ở phần đào đắp nền đường. Cá biệt đã có hơn 1,5km thảm cấp phối đá dăm gia cố xi măng CTB.
Việc thông đường công vụ và phần nền là một trong những yếu tố tiên quyết để làm cơ sở cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và từng bước đạt được mục tiêu đề ra.
Đơn cử như nhà thầu VINACONEX thi công nút giao QL8A tiếp giáp dự án cao tốc đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt dự kiến thông xe vào tháng 6/2024. Thời gian qua nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực thiết bị để phấn đấu đạt mốc tiến độ mà Bộ GTVT đề ra.
"Đến nay, đơn vị có thể tự tin sẽ làm xong các hạng mục của nút giao trước ngày 30/6/2024; hoàn thành cơ bản phần tuyến chính vào tháng 4/2025 và đảm bảo thông xe vào dịp tháng 6/2025"- ông Phạm Thái Dương, Giám đốc Ban QLDA 1 của VINACONEX cho biết.
Hay như ông Trần Đình Ngân - Chỉ huy trưởng nhà thầu Tổng công ty 319 chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ thi công dự án cao tốc giai đoạn 1, ở dự án này, ngay từ bây giờ đơn vị chủ động lắp đặt các trạm trộn, chủ động khai thác, tập kết trước các loại vật liệu, tự chủ tài chính… nhằm không để bị động khi bước vào thời điểm nước rút.
Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi tự tin sẽ rút ngắn tiến độ 6 tháng; hoàn thành dự án trước 30/6/2025 theo đúng cam kết với Bộ GTVT và Chính phủ.
Đã cam kết là phải làm bằng được
Quá trình kiểm tra dọc tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm và đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư dự án và các nhà thầu.
Mặc dù thời gian đầu gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay đã bắt đầu bứt tốc và tự đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng so với hợp đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý các nhà thầu không được chủ quan.
Thứ trưởng dẫn chứng, ở dự án Hàm Nghi – Vũng Áng, tổng giá trị sản lượng đạt 21,8%. Trong đó, có nhà thầu Công ty CP 471, Công ty CP Xây lắp 368 làm giá trị đạt tới 33% - 38%, tuy nhiên cũng có nhà thầu như Xuân Trường mới đạt 18,7% là rất thấp, chưa được như kỳ vọng.
Thứ trưởng Lâm cho rằng: Dự án này có rất nhiều thuận lợi khi được tỉnh Hà Tĩnh đã tạo kiện tốt về nguồn mỏ, mặt bằng... nhưng qua hơn 1 năm triển khai, khối lượng đạt được như vậy còn ở mức thấp.
"Khi đi dọc tuyến, tôi thấy có rất nhiều cầu, cống chưa hoàn thiện hoặc một số cầu mới làm thân bệ trụ… Trong khi, hạng mục cầu cống là một trong những hạng mục có thể làm sớm, gần như không ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.
Các nhà thầu cam kết rút ngắn tiến độ là rất đáng hoan nghênh, nhưng qua kiểm tra thực địa, tôi thấy công trường vẫn còn nhiều đoạn đang bỏ trống công địa, nhiều hạng mục làm chưa tương quan với năng lực của nhà thầu.
Tổng thời gian còn lại của dự án là hơn 1 năm, nhưng nếu trừ mùa mưa bão thì thời gian thi công thực tế chỉ còn khoảng 9 tháng. Chưa kể thi công thời tiết bây giờ biến đổi thất thường, nếu các nhà thầu không chủ động từ bây giờ sau này sẽ rất khó" - Thứ trưởng lo ngại.
Lý giải về việc thi công đạt sản lượng thấp, ông Phạm Văn Hai - Trưởng phòng kỹ thuật DNTN Xuân Trường, cho biết: Thời gian đầu triển khai dự án, do nguồn vật liệu gặp khó, đơn vị chủ yếu tận dụng đất trên tuyến để đắp đường công vụ nên sản lượng chưa được như kỳ vọng.
Mãi tháng 9/2023, doanh nghiệp mới được cấp mỏ, cộng thêm thời tiết thời gian vừa qua mưa nhiều nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công của đơn vị. Thời gian tới, đơn vị sẽ bố trí thêm máy móc, nhân công để bù lại tiến độ".
Không đồng ý với lý do của nhà thầu đưa ra, Thứ trưởng Lâm nêu rõ: Tôi trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra 2 dự án tại Đồng bằng sông Cửu long, ở trong đó việc thi công còn khó khăn do đường đi cách trở, vật liệu khan hiếm mà sản lượng hiện nay cũng tương đương, thậm chí phần cầu họ đã làm xong hết hạ bộ. Vì vậy, thời gian tới, Ban và nhà thầu phải nghiêm túc chấn chỉnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long và các nhà thầu đều cam kết sẽ chấn chỉnh ngay, nhất là công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thi công trên công trường.
Tại buổi kiểm tra, Ban quản lý dự án và nhà thầu đề nghị được điều chỉnh phương án sử dụng vật liệu tận dụng từ quá trình hạ cốt đồi đá ở Km560.
"Ban đầu đá đào từ vị trí này được thiết kế tận dụng làm cấp phối đá dăm loại 1 và đá bê tông. Tuy nhiên, qua quá trình thi công hạ độ cao từ 5 - 8m, nhà thầu và ban thấy rằng chất lượng đá quá thấp, không thể tận dụng được.
Vì vậy, nhà thầu kiến nghị cho mua đá bê tông và cấp phối để thi công kịp tiến độ. Đối với đá dư thừa, nhà thầu đề xuất cho chuyển sang đắp nền và nghiền thành hạt thô phục vụ quá trình đắp đường dẫn đầu cầu. Cách này vừa giúp giảm chi phí vận chuyển, hạn chế đổ thải mà đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu cho dự án.
Về vấn đề này Thứ trưởng Lâm, giao chủ đầu tư xem xét, nếu đúng và hợp lý thì tạo điều kiện hỗ trợ nhà thầu triển khai. Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý chủ đầu tư, nhà thầu thời gian tới phối hợp tốt với địa phương để gỡ nốt các vị trí mặt bằng còn vướng trên tuyến.
"Cả 2 dự án thành phần cao tốc qua Hà Tĩnh các nhà thầu đều hứa sẽ làm kịp tiến độ, rút ngắn 6 tháng, đảm bảo tháng 6/2025 thông xe. Để đạt mục tiêu này, các nhà thầu phải nỗ lực hơn nữa, huy động thêm máy móc, nhân công, tổ chức sắp xếp thi công một cách khoa học để đảm bảo tiến độ. Tinh thần là đã hứa là phải làm, làm bằng được" - Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.