Đà Lạt (Lâm Đồng): Tràn lan dấu hiệu vi phạm sử dụng đất ở 'điểm nóng' Tà Nung
Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, khi xã Tà Nung, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trở thành điểm đến của giới đầu cơ bất động sản, kinh doanh du lịch; rừng Tà Nung ngày càng 'teo' lại, tình trạng lấn chiếm rừng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp.
Ở khu vực ngã Bảy (thuộc xã Tà Nung), nhiều ha đất sản xuất nông nghiệp nằm giáp rừng được san ủi tạo thành các “băng”, trồng cây làm đường theo các ô thửa chạy dọc đường bê tông như các dự án bất động sản. Cạnh đó, nhiều diện tích rừng bị đào khoét, dấu hiệu bị lấn chiếm. Thế nhưng, lãnh đạo xã cho rằng “không hề có chuyện tạo mặt bằng rao bán đất; việc cải tạo thành các băng, thửa là do “đặc thù địa hình”.
Nhốn nháo “đón đầu” quy hoạch
Khu vực ngã Bảy thuộc xã Tà Nung nằm giáp ranh với phường 5 và phường 4, tuy là khu vực sản xuất nông nghiệp nhưng nằm cách bãi rác Cam Ly khoảng 1-2km, xe ô tô di chuyển tương đối thuận tiện. Gần đây giới đầu cơ bất động sản “săn lùng” khu vực trên sau khi có thông tin sẽ đóng cửa bãi rác Cam Ly (phường 5) để lập dự án khu dân cư.
Được biết, trước nhu cầu phát triển của địa phương, TP Đà Lạt đã có tờ trình xin chủ trương chấm dứt dự án và thống nhất hình thức đầu tư đối với dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly. Tháng 5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản thống nhất chủ trương cho Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới Cam Ly trên khu vực bãi chôn lấp rác Cam Ly.
Tháng 7/2021, UBND tỉnh có thông báo thống nhất phạm vi khảo sát để triển khai lập quy hoạch chi tiết khu dân cư mới Cam Ly. Theo đó, phạm vi nghiên cứu là 70ha, diện tích quy hoạch trực tiếp hơn 49ha.
Theo ý tưởng quy hoạch, khu vực bãi rác Cam Ly sẽ trở thành khu dân cư mới của TP Đà Lạt, với hệ thống không gian mở, tiện ích công cộng, dịch vụ đầy đủ, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại với các khu ở sinh thái, hòa mình vào thiên nhiên và kết nối hài hòa với khu vực dân cư hiện hữu.
Đón đầu dự án trên, khu vực vốn được giới buôn bán bất động sản đánh giá “tiềm năng, di chuyển ra trung tâm Đà Lạt gần”; lại càng nhốn nháo trong lĩnh vực đất đai. Bởi vậy, nằm giữa những cánh rừng Tà Nung, không khó nhận ra nhiều diện tích “sản xuất nông nghiệp” đang được cải tạo, dựng nhà theo kiểu nhà vườn.
Men theo con đường bê tông giữa rừng, ghi nhận nhiều đường bê tông vừa được đổ mới, xe bồn chở bê tông ghi tên Cty CP Khoáng sản & Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (LBM) ra vào nườm nượp.
Đường bê tông dẫn đến một khu vực rộng chừng 3-4ha đã được san ủi thành các khu, bậc thang mà ở Lâm Đồng gọi là “giật băng”, mỗi băng đất rộng đến cả ngàn m2. Bằng mắt thường có thể thấy nhiều vị trí có dấu hiệu đào múc vào đất rừng, được “cắt gọt” vuông vắn, thẳng đứng như vách tường. Đặc biệt tại hiện trường vẫn còn những khu vực rừng thông nằm lọt thỏm, đang bị bào mòn dần.
Cạnh đó, một khu đất khác khoảng 3-4ha cũng đã được cải tạo thành các băng, trồng một số hàng chuối; nhiều khóm thông bị đào múc đất xung quanh; đá, ống nước ngổn ngang…
Sau nhiều ngày theo dõi, ghi nhận, nhóm PV nhận thấy nhiều diện tích đất “sản xuất nông nghiệp” ở khu vực gần ngã Bảy đang được cải tạo, mở đường, đổ bê tông. Thực tế hiện nay nhiều diện tích không hề được sản xuất nông nghiệp; hoặc chỉ trồng vài cây theo kiểu đối phó hòng để trống mặt bằng.
Chỉ là “sửa đường”, “sửa mương”, “hoàn nguyên”?
Ông Nguyễn Thành Lợi, Chủ tịch UBND xã Tà Nung cho rằng, khu vực trên nằm giáp ranh với ranh giới dự án chăn nuôi, sản xuất kết hợp bảo vệ rừng của Cty Thanh Đa (thường gọi là dự án Thanh Đa).
Khu vực có tổng diện tích 7-8ha của một số hộ dân canh tác sản xuất nông nghiệp từ 1991-1992, trong đó nhiều nhất của hộ ông Tỉnh, bà Giang, hộ ông Trần Văn Rỵ (ngụ phường 4) và ông Đào Xuân Quý. Hiện các hộ dân đang làm thủ tục để được cấp sổ đỏ, nhưng do vướng mắc về việc xác định ranh giới nên chưa được cấp.
Về khu vực cải tạo đất theo kiểu “giật thớt”, Chủ tịch xã cho biết đó là của hộ ông Tỉnh, bà Giang và ông Rỵ. Riêng hộ ông Tỉnh, bà Giang thành lập Cty TNHH Tỉnh Giang (do bà Trương Thị Hồng Giang làm đại diện pháp luật). Cty có ngành nghề kinh doanh chính là "Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng", do Chi cục Thuế TP Đà Lạt quản lý; địa chỉ trụ sở số 2/2 Trần Hưng Đạo, phường 3 và được cấp phép khai thác đá, đến 2020 hết phép khai thác, phải hoàn nguyên mặt bằng, trồng tùng, chuối. Khu vực này thuộc quy hoạch đất nông nghiệp. Cạnh đó là diện tích được ông Rỵ “sửa đất”.
Lãnh đạo xã Tà Nung cho rằng “thường xuyên đi kiểm tra khu vực trên, thỉnh thoảng có một máy múc nhỏ vào “sửa đường”, “sửa mương””. Còn việc hoàn nguyên, “sửa đất” tạo thành các băng, dải đất; theo vị Chủ tịch xã; là “do địa hình dốc nên phải hoàn nguyên kiểu “giật thớt” chứ không phải chia lô, chia thửa”.
Liên quan Cty Tỉnh Giang, lãnh đạo UBND phường 5 cho biết, trước đó DN này khai thác đá trên đất thuộc địa phận phường, sau đó được yêu cầu hoàn nguyên mặt bằng thì không thực hiện và chuyển sang khai thác ở xã Tà Nung.
Về vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, ông Lợi cho biết, năm 2021 có xử phạt hành chính trường hợp ông Quý về hành vi phá rừng. Còn với DN Tỉnh Giang và một số hộ dân khác, hồi năm 2017-2018 có xử lý vi phạm do khi khai thác, sản xuất có lấn vào ranh giới đất rừng.
Chủ tịch xã Tà Nung cho rằng “địa phương thường xuyên kiểm tra khu vực trên; hiện trạng từ tháng 2/2020 đến nay không có tác động gì mà chỉ có sửa đường, mương nước, nhưng các hộ dân cũng không chịu canh tác, không chịu trồng cây “nên lúc nào cũng thấy đất mới””.
Trước nghi vấn nhiều diện tích trên bị lợi dụng hoàn nguyên để cải tạo mặt bằng, tạo thành mặt bằng chờ thời rao bán, lãnh đạo xã Tà Nung nói “có việc lợi dụng hoàn nguyên, sửa đất để khoét vào rừng nhưng không có dấu hiệu phân lô ở khu vực trên và nếu có tiền cũng chưa chắc mua được vì những hộ này đâu có thiếu tiền”.
Chủ tịch xã cũng cho hay công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu vực trên gặp khó khăn do diện tích nằm giáp đất rừng dự án Thanh Đa, đề nghị chủ dự án cần có trách nhiệm hơn trong quản lý bảo vệ rừng. Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa 2 đơn vị chưa đảm bảo, Chủ tịch xã nhiều lần gọi điện cho chủ dự án yêu cầu cung cấp kế hoạch bảo vệ rừng để xã phối hợp nhưng chủ dự án lúc thì ở Hà Nội, lúc thì bận công tác. Trước thực trạng trên, xã đã báo cáo tỉnh để phát văn bản đến chủ dự án.
Một luật sư thuộc đoàn luật sư cho hay, hành vi trên của một số hộ dân đã có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng đất. Theo luật, chính quyền có thể thu hồi đất các hộ dân đã bỏ trống bỏ hoang nhiều năm, sử dụng sai mục đích; tránh nguy cơ “ủ” đất nông nghiệp chờ quy hoạch phân lô, bán nền.