Đà Lạt năm 1937 (tiếp theo và hết)

Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn tất nhiên là hồ trên dòng suối Cam Ly với nước trong xanh mang lại cho những ai hâm mộ chèo thuyền và bơi lội những giây phút khó quên. Một giàn nhào (plongeoir) đặc biệt, nhà Thủy Tạ được xây dựng riêng cho những người tay bơi.

[links()]

Sinh hoạt thể thao và giải trí

Những người yêu thích thể thao tìm thấy ở Đà Lạt nhiều môn thể thao theo sở thích, ngoài du lịch và leo núi.

Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn tất nhiên là hồ trên dòng suối Cam Ly với nước trong xanh mang lại cho những ai hâm mộ chèo thuyền và bơi lội những giây phút khó quên. Một giàn nhào (plongeoir) đặc biệt, nhà Thủy Tạ được xây dựng riêng cho những người tay bơi. Mùa bơi lội lý tưởng nhất kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Trong thời gian này, nhiệt độ trong nước dao động giữa 20oC và 23oC. Dưới bầu trời Đà Lạt, tắm nắng rất tốt cho sức khỏe và màu da.

Về thể thao dưới nước, những chiếc thuyền hai mái chèo được cho thuê thường xuyên gần nhà Thủy Tạ. Thuyền trôi nhanh trên mặt nước hồ có chiều dài 2km và rộng 300m.

Cầu đến nhà Thủy Tạ

Một địa điểm rất hấp dẫn ở Đà Lạt là sân cù (golf) 9 lỗ với lối đi rất đa dạng và mấp mô do một kiến trúc sư chuyên nghiệp người Scotland thiết kế giữa những ngọn đồi xanh tươi. Sân cù được coi như là một trong những sân cù hấp dẫn nhất ở Viễn Đông. Trên sân cù có một câu lạc bộ đầy đủ tiện nghi. Những người chơi golf tranh cúp vào dịp Tết dương lịch và lễ Phục Sinh.

Đà Lạt còn có nhiều sân quần vợt. Những nhà thể thao thường lui tới nơi này trong mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 5, tranh cúp hằng năm tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh và tranh giải trong những dịp khác.

Từ tháng 9 đến tháng 12 là thời gian tranh giải bóng đá.

Những người thích cưỡi ngựa có thể thuê ngựa theo giờ. Loại ngựa địa phương tuy nhỏ con nhưng chạy rất dai sức, thích nghi với địa hình miền núi.

Đà Lạt là thiên đường của những người đi săn. Cách Đà Lạt không quá 2 giờ là vùng săn bắn nai, hươu, công, gà lôi, heo rừng, gấu đen, bò rừng, cọp, beo, voi có rất nhiều trong vùng. Nhiều người săn bắn không chuyên, cũng có những người săn bắn chuyên nghiệp giúp hướng dẫn việc săn bắn.

Đà Lạt về đêm cũng không đến nỗi buồn chán. Tại câu lạc bộ, du khách có thể ghi tên tham dự vui chơi, giải trí. Khách sạn Langbian Palace tổ chức những buổi dạ hội khiêu vũ. Rạp chiếu bóng Eden hằng tuần chiếu 2 chương trình phim khác nhau.

Công trình xã hội

Trung tâm sinh động nhất ở Đà Lạt là khu vực quanh chợ(1), một công trình khang trang vừa mới xây dựng xong. Mặt tiền của chợ có trang trí huy hiệu của thành phố Đà Lạt và câu châm ngôn như một lời hứa hẹn giản dị: “Dat Aliis Laetitiam, Aliis Temperiem (Cho những người này niềm vui, những người khác sự mát mẻ).

Chợ Đà Lạt (nay là rạp chiếu bóng 3-4)

Chợ nằm trên đồi cao trong khu vực người Kinh. Ngày xưa, Đồng Nai Thượng là một tỉnh chỉ có người dân tộc thiểu số. Ngày nay, tỉnh có 14.000 người Kinh, đa số sống ở Đà Lạt (6.500 người)(2).

Một nhà ga mới với kiến trúc hiện đại kiểu Anh - Normandie đang được xây dựng và sẽ hoàn thành trong thời gian gần đây.

Nông dân người Kinh sống trong thung lũng suối Cam Ly cung cấp cho Đà Lạt rau, trái cây, hoa và chuyên chở xuống Sài Gòn.

Dân số đông đòi hỏi phương tiện y học hiện đại. Một bệnh viện lớn đã được xây dựng ở Đà Lạt do một bác sĩ người Pháp quản lý, có một bác sĩ người Kinh và những nữ tu dòng Saint Paul de Chartres phụ tá. Bệnh viện còn có một nhà hộ sinh rất khang trang với phòng phẫu thuật và những phòng khác dành cho bệnh nhân giàu hay nghèo ở địa phương. Bệnh viện này đặc biệt quan trọng vì Đà Lạt không chỉ tiếp du khách nhưng còn những người vừa mới khỏi bệnh đến Đà Lạt để hồi phục sức khỏe và tìm lại sự thăng bằng đã mất.

Từ năm 1936, Viện Pasteur đã thành lập một cơ sở mới ở Đà Lạt. Trang bị hiện đại, Viện Pasteur Đà Lạt là một điểm phụ cho giám đốc bệnh viện Đà Lạt nhờ sự phân tích trong phòng thí nghiệm. Hoạt động này không phải thứ yếu nhưng rất quan trọng cho thành phố Đà Lạt vì mục đích chính của Viện Pasteur Đà Lạt là sản xuất vắc-xin tại một nơi ít nóng hơn Sài Gòn.

Diện tích tỉnh Đồng Nai Thượng rất rộng không cho phép tất cả cư dân trong tỉnh đều đến chữa bệnh tại bệnh viện Đà Lạt. Nhiều bệnh xá được thành lập trong những vùng đông dân: Djiring, Dran, M’Lon và Coya(3). Một viên y tá phụ trách bệnh xá. Giám đốc bệnh viện Đà Lạt thường thanh tra các bệnh xá và khám bệnh khi cần thiết.

Mặt khác, nhờ khí hậu giúp cho trẻ em học hành tốt, Đà Lạt đã trở thành một trung tâm giáo dục hàng đầu. Nhiều trường học lớn được tổ chức và hoạt động với những điều kiện tối ưu.

Về thờ phượng, Đà Lạt có một linh mục người Pháp, một nhà thờ Thiên Chúa và một nhà thờ Tin Lành.

(1) Chung quanh chợ Đà Lạt có nhiều cửa hàng. Một cách tổng quát, việc cung cấp khá dễ dàng ở Đà Lạt tại cửa hàng Boy-Landry hay các cửa hàng khác trong thành phố (nhà thuốc tây, hớt tóc, ga-ra,…)

(2) Khi người Pháp mới đến Đà Lạt, dân cư tỉnh Đồng Nai Thượng chỉ là người dân tộc thiểu số có nguồn gốc Mã Lai - Đa Đảo. Họ sống trong rừng, săn bắn và trồng trọt thô sơ. Họ sống rải rác, du canh du cư, trên diện tích rộng 9.000km2 chỉ có 48.000 người. Từ khi người Pháp đến Đồng Nai Thượng và cùng với sự thành lập các đường giao thông (đường bộ, đường sắt), người Kinh dần dần đến một số vùng và lập nên làng mạc trù phú. Dân số tăng lên khoảng 14.000 người.

(3) Nay là Di Linh (huyện Di Linh), Dran, Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), Phú Sơn (huyện Lâm Hà).

NGUYỄN HỮU TRANH trích dịch

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/dalatxuanay/201407/da-lat-nam-1937-tiep-theo-va-het-2452368/