Đà Lạt, sống hoài niệm và ước mơ
Khi bàn chuyện quy hoạch - kiến trúc của Đà Lạt, cộng đồng luôn ưu ái dành cho thành phố này nhiều tình cảm thật đáng trân trọng. Tất cả sự quan tâm, đều thể hiện lòng yêu thương và những kỳ vọng tốt đẹp, đem lại cho người dân Đà Lạt niềm tự hào về một vùng đất thân thương. Nhưng rồi cũng chính tình yêu ấy, đôi lúc lại mang đến cho cư dân tại chỗ bao nỗi niềm ưu tư trước những luận bàn nhiều chiều về một tầm nhìn tương lai cho thành phố đang ngày càng phát triển. Mai này Đà Lạt ra sao? - Câu hỏi luôn trĩu nặng tâm thức của nhiều người, trải qua bao thế hệ…
1. Một không gian hoài niệm
Không biết từ bao giờ, Đà Lạt trở thành một thành phố chung của nhiều người, để những người yêu Đà Lạt - dù là du khách vãng lai hay người dân thường trú, người trong nước hay nước ngoài - đều không muốn đánh mất hình ảnh của một không gian hoài niệm nào đó trong ký ức của riêng mình. Cái không gian của quá khứ luôn đọng lại trong tiềm thức mỗi người, nhất là lúc đi xa, bởi nó thường gắn liền bao kỷ niệm đầy cảm xúc với những người thân yêu. Nhiều người yêu Đà Lạt qua từng góc phố chênh cao mỗi dạo đi về; nhớ một thời êm ả bên nhau trên Đồi Cù xưa thoáng rộng; nhớ lắm bóng dáng ngọn tháp bút lẻ loi của ngôi trường Grand Lyceé Yersin - nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - giữa mù sương trắng mỗi sớm mai, hay những ngôi biệt thự kiểu Pháp tĩnh lặng trong mảng rừng thông xanh giữa lòng thành phố mỗi khi chiều xuống…
Đà Lạt với nhiều người vốn là một bức tranh thủy mặc hoàn chỉnh, đầy chất thơ mộng và trữ tình, như đặc trưng vốn có của nó là “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”. Không ít người cảm thấy khó làm quen với những chất liệu và phong cách thể hiện lạ lẫm, khác xưa, cho bức tranh toàn cảnh mới về Đà Lạt tương lai; bởi trước mặt họ, còn đó những bề bộn các khối hình kiến trúc lạc điệu giữa lòng đô thị. Vì vậy, họ càng nặng lòng hơn với hình ảnh “Đà Lạt xưa” và không dễ gì yên tâm về một Đà Lạt tương lai khác xa trong trí tưởng tượng của mỗi người…
2. Ký ức và di sản
Một không gian đô thị tốt làm nên sức sống của cộng đồng dân cư. Một ngôi nhà hoàn thiện hình thành cách sống mới của một mái ấm gia đình, với các thành viên trải dài qua ba thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái). Khi những kiến trúc sư người Pháp thiết lập những bản đồ án quy hoạch hoặc những công trình kiến trúc đầu tiên xây dựng tại Đà Lạt, họ đã góp phần không nhỏ trong việc vun đắp những giá trị văn hóa ngày càng mang tính đặc thù của Đà Lạt là chịu ảnh hưởng sớm bởi sự tiến bộ của nền văn hóa phương Tây, nhưng lại nhanh chóng phù hợp với tập quán dân tộc của người Việt, trên đất Việt Nam. Sự trộn lẫn tinh hoa của hai nền văn hóa Pháp - Việt, đã thấm sâu trong cách sống của người dân Đà Lạt ngày nay qua tính cách hiền hòa, đằm thắm, trung thực và lòng mến khách...; còn biểu hiện rõ nhất trong việc tạo nên những cảnh quan kiến trúc và không gian đô thị rất đặc biệt của một “thành phố trong rừng” hay “rừng trong thành phố”, mà từ người dân bình thường đến các nhà quản lý đô thị, những kiến trúc sư trẻ tương lai của thế kỷ XXI đều có thể cảm nhận được.
Đà Lạt là một vùng đất cao nguyên mà vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam - Quốc trưởng Bảo Đại - có chủ trương xây dựng thành “Hoàng triều cương thổ”, nhưng lại chấp nhận phong cách kiến trúc châu Âu và ông đã từng có thời kỳ sống, làm việc trong các dinh thự kiểu Pháp. Có gì lạ khi người dân Việt thích ở villa, mặc áo vest, biết chơi golf, hát dân ca và thờ cúng ông bà... Tất cả điều đó đã minh chứng cho sự giao thoa tuyệt vời giữa hai khái niệm “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc dân tộc” mà Nhà nước đang ra sức lãnh đạo thực hiện.
3. Những tín hiệu mang tính thời đại
Vài năm gần đây, công chúng và công luận thật sự quan tâm, luận bàn trước những dự án, đồ án quy hoạch hay kiến trúc công trình được trưng bày công khai trong các buổi lễ công bố tại khu vực triển lãm sau mỗi lần tổ chức thi tuyển, hoặc lễ khởi công tại khu vực xây dựng công trình. Chính quyền cấp tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học với những chủ đề mang ý nghĩa cho một sự tìm kiếm tích cực, mong muốn có sự đột phá trong tư duy chiến lược về “Tầm nhìn quy hoạch kiến trúc Đà Lạt tương lai”, “Giải pháp phát triển du lịch Đà Lạt bền vững”, “Đà Lạt hướng tới một đô thị di sản”, v.v…
Thực tế trong đời sống xã hội đã bắt đầu xuất hiện một vài kiểu dáng kiến trúc công cộng mang phong cách thiết kế hiện đại, chất liệu và kỹ thuật tiên tiến, công năng phức hợp, từ một số dự án mới, cao cấp hoặc cao tầng, đã và đang hình thành (như: quảng trường, khách sạn, chung cư, siêu thị, trung tâm hành chính, khu ký túc xá sinh viên, công viên văn hóa đô thị, nhà ga cáp treo, cảng hàng không và bến xe khách…). Một vài mô hình quy hoạch, kiến trúc đã phát đi những tín hiệu mới, đại diện cho xu hướng của thời đại “hội nhập và phát triển”. Đó là sự khác lạ với phong cách kiến trúc Đà-Lạt-kiểu-Pháp truyền thống, từng được xem như một chân lý không dễ gì thay thế được. Nhiều ý kiến đa chiều đã bày tỏ trên các diễn đàn mạng xã hội, hoặc tại các cuộc hội thảo, tọa đàm khi bàn luận về diện mạo của Đà Lạt tương lai. Khen chê, lý luận đủ điều… nhưng đáp án vẫn còn là ẩn số.
4. Vị thế, tầm nhìn và tiêu điểm
Không ai phủ nhận Đà Lạt đang phát triển từng ngày. Tốc độ phát triển đô thị của Đà Lạt nhanh hơn kết quả dự báo qua hai lần định hướng quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đến năm 2010 và 2020). Chưa hình dung được diện mạo Đà Lạt sau những năm 2030, nhưng khuôn mặt đô thị Đà Lạt vẫn phải chịu những tác động bởi các công việc quản lý thường ngày, buộc những người có trách nhiệm phải “vượt lên chính mình” trước cột mốc thời gian. Làm thế nào để Đà Lạt xứng tầm là một đô thị hiện đại, phát triển, bền vững và có bản sắc là một việc làm không hề đơn giản trước áp lực nhu cầu của xã hội (từ phía Nhân dân, du khách, giới chuyên môn, nhà báo và cả… cộng đồng mạng).
Trong các cuộc thi thể thao thường có khẩu hiệu hành động “nhanh hơn, xa hơn, cao hơn”, thì trong công tác quy hoạch - kiến trúc cũng có những mệnh lệnh tương tự. Nhưng vượt qua được “ngưỡng” cao hơn để có “tầm nhìn” xa hơn, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng chủ quan của từng người, dù là chủ thể hay khách thể, khi xem quy hoạch - kiến trúc là đối tượng để thẩm định giá trị. Thông thường, khi nói đến chiều cao thường phải xác định tầm thấp để so sánh; còn để có độ bao quát rộng hơn với tầm nhìn xa hơn, lại rất cần một chỗ đứng có cao độ hợp lý để phóng mắt nhìn. Vị thế của những người làm quy hoạch - kiến trúc, quản lý đô thị, đến những người thực hiện hay thụ hưởng các giá trị từ dự án, đồ án… đều có những khác nhau tùy theo sự phân công của xã hội; nhưng hơn bao giờ hết, tầm nhìn về một tương lai Đà Lạt lại rất cần có chung một tiêu điểm. Đó là trách nhiệm, tri thức và cả tấm lòng của nhau đối với nơi mình sinh ra hoặc đang sống, để mong muốn gửi gắm cho đời con cháu mai sau về những điều tốt đẹp nhất.
5. Hồn phố thị nơi cao nguyên
Nếu nhìn nhận nơi chốn có tuổi đời và diện mạo thì phố thị cũng có hồn cốt riêng. Hồn vía đô thị không chỉ là đặc trưng phần văn hóa - nhân văn của từng vùng miền, mà còn là bản sắc - thần thái của hình bóng kiến trúc từng ngôi nhà hoặc công trình công cộng, đến từng ngõ phố, vỉa hè, cả sắc hoa, dáng núi và bóng cây… Thông qua các bản vẽ quy hoạch đô thị và kiến trúc công trình, hình hài phố thị được sinh ra và lớn lên theo thời gian - như một đời người, cũng có xương cốt và da thịt - lâu dần làm nên hồn vía của một đô thị mà khi đi thì nhớ, khi về thì thương…
Người dân Đà Lạt luôn có những hoài niệm và không bao giờ xóa nhòa những ký ức xưa cũ của một thời vàng son. Nhưng thời gian không dừng lại, cuộc sống bao thế hệ cứ chầm chậm trôi theo tuổi đời. Đứa trẻ sinh năm 1975 nay đã là người đàn ông trung niên sắp tròn sinh nhật 45 tuổi vào năm 2020. Phải là người dân ở đây mới thấu hiểu bao khát vọng cháy bỏng được đổi đời; mong thoát đi những cơ cực đói nghèo của một thời tăm tối; luôn cháy bỏng những ước mơ cho con cháu mình một cuộc sống sung túc, hiện đại, như mọi người dân nơi các đô thị phồn vinh - không chỉ trong nước mà cả nước ngoài…
Đà Lạt từng được vinh danh là một Petit de Paris (tiểu Paris) sang chảnh trên đất Việt khi còn thời thuộc địa. Đà Lạt từng là nơi chốn đi về của bao chính khách, thương gia giàu có từ trời Tây, luôn mơ ước một chuyến hành trình viễn dương về xứ An Nam xa xôi. Đà Lạt từng có một nhà bác học Yersin gắn liền với sự khai sinh ra thành phố này vào năm 1893. Đà Lạt từng được những chiến lược gia, đô thị gia đại tài của châu Âu làm nên những bản đồ án quy hoạch chung lịch sử, trở thành học thuật kinh điển cho việc tạo lập mới một đô thị nghỉ dưỡng trên đất rừng, sánh tầm quy hoạch các thủ đô trên thế giới. Đà Lạt có tuyến xe lửa đường sắt răng cưa độc đáo thứ hai trên thế giới - cho đến ngày nay, sau Thụy Sĩ; từng có sân golf và ngôi chợ lầu đầu tiên của Việt Nam…
Vậy đó, sao bây giờ có người xem Đà Lạt là “tỉnh lẻ miền núi”; lại còn tự hào là một thành phố độc đáo vì không có tín hiệu giao thông và ít nhà cao tầng… (?). Vì sao Đà Lạt không thể trở thành một đô thị hiện đại trên nền tảng của di sản kiến trúc đô thị và bản sắc cảnh quan thiên nhiên của rừng thông - suối nước và sắc hoa? Người dân Đà Lạt không chỉ sống trong hoài niệm, để thờ ơ với cuộc sống đương đại, mà có quyền được mơ ước và phải được sống trong ước mơ, với bao kỳ vọng xây dựng thành phố này tốt đẹp, bền vững… để đổi đời.
Nếu ví gạch đá như những nốt nhạc, thì linh hồn phố thị chính là lời ca. Bài ca Đà Lạt dầu có lúc thăng trầm thì quy hoạch - kiến trúc bao đời nay vẫn cứ cần những bàn tay người nhạc trưởng tài hoa, tâm huyết và trách nhiệm… Xin đừng làm người lữ khách dừng chân nơi quán trọ, chợt đến chợt đi, rồi buông ra những lời cợt nhã cho một đời thiếu nữ lỡ thời tuổi xuân…