Đà Lạt - sức hấp dẫn từ cuốn sách của Tiến sĩ Phạm S

Đam mê nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà quản lý, nhà giáo, có mặt trên 30 năm ở Lâm Đồng, Đà Lạt, Tiến sĩ Phạm S vừa ra mắt cuốn sách 'Đà Lạt - Ba thiên đường, Hai hội tụ, Một tầm nhìn'. Gần 500 trang, cuốn sách là công trình nghiêm túc về học thuật, dày dặn về thực tiễn và sâu nặng về tình cảm.

Tác giả Tiến sĩ Phạm S giới thiệu về cuốn sách của mình. Ảnh: M.Đạo

Tác giả Tiến sĩ Phạm S giới thiệu về cuốn sách của mình. Ảnh: M.Đạo

Đà Lạt - Ba thiên đường, Hai hội tụ, Một tầm nhìn” do Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành quý III/2019, được Thư viện tỉnh Lâm Đồng tổ chức giới thiệu đến đông đảo độc giả vào ngày 6/10 tại thành phố (TP) Đà Lạt. Tác giả cuốn sách nghiên cứu, phân tích TP Đà Lạt trong chiều dài thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai; thể hiện có hệ thống và nhất quán, đan xen lập luận chặt chẽ của văn phong khoa học với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng và giản dị. Cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương, mỗi chương với hàng chục đề mục chủ điểm, chủ đề; mỗi đề mục tiếp tục phân chẻ thành nhiều đề mục tầng bậc nhỏ khác.

Chương I có tên “Khái quát quá trình 125 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt”. Bao gồm: Lịch sử 125 năm hình thành và phát triển TP Đà Lạt; Quy hoạch TP Đà Lạt qua các thời kỳ (từ trước năm 1945 đến nay). Đà Lạt là TP trẻ, song do yêu cầu phát triển để phù hợp với tính chất, yêu cầu mới đáp ứng quá trình phát triển theo xu thế thời đại, đến nay Đà Lạt đã có 13 Đồ án quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quy hoạch đô thị. Hiện nay, TP Đà Lạt đang triển khai Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Từ phương pháp nghiên cứu và phân tích, đối sánh quá khứ và hiện tại, tác giả Phạm S đã nêu 10 đặc thù của TP Đà Lạt so với các TP khác ở Việt Nam và thế giới. Đây là sự nhận diện tạo được thú vị đối với độc giả.

Cuốn sách “Đà Lạt - Ba thiên đường, Hai hội tụ, Một tầm nhìn”

Cuốn sách “Đà Lạt - Ba thiên đường, Hai hội tụ, Một tầm nhìn”

Chương II với đầu đề “Ba thiên đường - thiên đường Du lịch, thiên đường Tình yêu và thiên đường Nông nghiệp” được tác giả tập trung nhiều công sức nghiên cứu nhất, chiếm 222 trang. Để làm sáng tỏ tính chất “thiên đường” như là đặc thù, được cộng đồng trong và ngoài nước cảm nhận và công nhận, tác giả cố gắng hệ thống theo trục thời gian, cùng vốn sống trải nghiệm nhiều năm tại địa bàn, kết hợp những khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu. Tác giả đồng thời phân tích sâu sắc, rút ra được những đặc điểm, sự khác biệt để chứng minh ba thiên đường, 10 sự khác biệt về du lịch Đà Lạt. “Dẫn dắt giúp độc giả thấy được cảm nhận tình yêu thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc Đà Lạt và dẫn chứng những câu chuyện tình trong truyền thuyết đến những câu chuyện tình có thật đã góp phần tạo nên Đà Lạt là “thiên đường Tình yêu” (Lời nói đầu). Theo hướng khai triển này, để chứng minh “thiên đường Nông nghiệp”, là Tiến sĩ nông học với nhiều thực nghiệm, một lợi thế ít người có được, tác giả Phạm S đã phân tích nhiều chiều phổ quát để đưa ra 10 đặc điểm nổi bật của ngành nông nghiệp Đà Lạt.

Chương III, “Hai hội tụ - Cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc và con người Đà Lạt”, tác giả đi sâu phân tích quá trình hình thành và phát triển của TP Đà Lạt luôn thực hiện theo nguyên tắc: “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc trong phát triển đô thị”. Việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển đã tạo cho Đà Lạt có nét rất riêng và về cảnh quan kiến trúc. Qua nghiên cứu, tác giả cũng đúc kết 10 đặc điểm khác biệt do sự hòa quyện về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc và con người Đà Lạt. Chương cuối cùng là “Một tầm nhìn - Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, tác giả bàn sâu về tính quy luật khách quan và tất yếu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Sự vận động này đã, đang và sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Trong điều kiện cụ thể quá khứ, hiện tại và tương lai của TP Đà Lạt, tác giả khuyến nghị và đề xuất một số ngành và lĩnh vực mà Đà Lạt có lợi thế, để cho thế hệ trẻ Đà Lạt tham khảo, nhận thấy cơ hội trong tương lai với tầm nhìn dài hạn, từ đó luôn có khát vọng, có quyết tâm cao, biến những tri thức trở thành những hành động cụ thể góp phần xây dựng Đà Lạt ngày càng phồn vinh, thịnh vượng tương xứng với tiềm năng vốn có” (Lời nói đầu).

Chúng tôi trích dẫn thêm Lời nói đầu để khép lại sự trân trọng giới thiệu này: “Đây là cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, bổ ích cho bạn đọc, cách hành văn mộc mạc, thực tế là nguồn tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu trong quá trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập quốc tế”. Và như tác giả Phạm S bày tỏ trong buổi ra mắt cuốn sách, ông mong cuốn sách sẽ mang lại ý nghĩa, bổ ích cho nhiều đối tượng, từ chủ thể là người Đà Lạt, để tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy; đến khách thể: du khách, nhà đầu tư,... hiểu hơn về Đà Lạt, để yêu mến Đà Lạt, để đồng hành cùng sự phát triển của Đà Lạt. “Đà Lạt - Ba thiên đường, Hai hội tụ, Một tầm nhìn” cũng là địa chỉ xứng đáng để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nghiệp, sinh viên và thế hệ trẻ khởi nghiệp... tìm đến để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng vào thực tiễn lao động sáng tạo cũng như đời sống.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201910/tac-gia-tac-pham-da-lat-suc-hap-dan-tu-cuon-sach-cua-tien-si-pham-s-2967844/