Đa Mi xanh
Đa Mi những tháng cận Tết Nguyên đán lạnh, lạnh lắm. Có những ngày lạnh đến tê tay. Lấp ló trong làn sương mờ ảo là màu xanh của những vườn cam, vườn bưởi… người nông dân trồng chuẩn bị để bán vào dịp tết. Năm nay, cây ra trái nhiều hứa hẹn một mùa no ấm…
Đa Mi xanh
Xanh của cây
Dễ đến 10 năm tôi mới có dịp trở lại xã Đa Mi, xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc. Ngày đó, Đa Mi nghèo lắm. Cơ sở hạ tầng gần như không có gì. Con đường dẫn đến trung tâm xã bé xíu, chỉ cần một chiếc xe tải chạy ngược chiều là phải đi sát vào lề mới lọt. Đường đã nhỏ còn chi chít ổ gà, ổ voi. Ngày đó, để lên được đến Đa Mi là cả một “hành trình vượt khó”. Đi đường vất vả, nhưng đến các hộ dân còn thấy khổ hơn. Thấp thoáng trong những khu vườn chỉ lèo tèo vài cây cà phê là những ngôi nhà thấp lè tè vách gỗ, mái tôn rỉ sét. Ký ức về Đa Mi trong tôi chỉ là sự nghèo khó. Nhưng chỉ 10 năm, Đa Mi giờ đã khác, thay đổi đến không nhận ra. Vẫn con đường đó, vẫn những khu vườn trồng cây lâu năm đó nhưng đã được phủ lên màu no ấm.
Đa Mi có lẽ là địa phương đặc biệt nhất của tỉnh. Dù là đơn vị hành chính của vùng nắng gió nhưng khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ như Đà Lạt. Thổ nhưỡng đó đã giúp Đa Mi có thế mạnh trong việc trồng cây ăn trái. Người dân Đa Mi cũng rất biết cách để biến đất thành vàng. Những năm trước là bạt ngàn cà phê, bơ và hiện nay là vườn cây ăn trái đã được người dân đầu tư bài bản. Người dân Đa Mi cũng rất nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng. Khi giá cà phê lên xuống thất thường họ đã dần chuyển sang trồng cây ăn trái. Mà cũng không trồng 1 loại họ xen ghép trong cùng khu vườn là nhiều loại cây khác nhau. Bởi vậy nên khi đến Đa Mi vào bất kể tháng nào trong năm cũng đều có cây đang cho trái. Tháng giêng là cà phê, tháng 2 - 5 là mùa bơ, tháng 6 là măng cụt, cam, quýt đường, bưởi da xanh ruột hồng… kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Đa Mi hiện có 2.307 ha cây trồng các loại. Trong đó, 1.523 ha cà phê cho thu hoạch, sầu riêng 640 ha, bơ 700 ha, điều 200 ha và lượng lớn cam, quýt… Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên sản lượng trái cây ở Đa Mi cao. Nhờ đó, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Trước đây, mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm cho một hộ gia đình là dạng khủng ở Đa Mi thì nay đây là mức thu nhập trung bình của người dân trong xã. Nơi đây, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những hộ dân có mức thu nhập từ một đến vài tỷ đồng/năm.
Và xanh hy vọng
Không quá nếu gọi Đa Mi là Đà Lạt thứ 2 bởi những gì mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Không chỉ là khí hậu mà cả những cảnh quan vô cùng kỳ vỹ. Đa Mi có rất nhiều thác, trong đó nổi tiếng nhất là thác 9 tầng. Người ta gọi thác 9 tầng vì thác này nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn, có 9 tầng như ruộng bậc thang. Cách thác 9 tầng khoảng 3 km là thác Mây và thác Mưa. 2 thác này nằm kề nhau, từ độ cao đổ xuống, đứng cách xa cả chục mét mà nước cứ bắn lên như mưa, chính vì vậy có tên thác Mưa. Thác Mây là do sức nước đổ từ trên cao xuống và tung lên nhìn như từng dải mây trời nên người ta gọi thác Mây. Ngoài thác, Đa Mi còn có 2 hồ nước lớn được hình thành nhờ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Giữa hồ có 8 đảo lớn nhỏ, đủ hình dạng đan xen, cây cối phủ xanh mướt như những hòn non bộ khổng lồ.
Cũng bởi điều kiện tự nhiên vô cùng đặc biệt mà cái tên Đa Mi đã được nhiều người biết đến. Lúc đầu chỉ là những du khách vãng lai trên đường đi Đà Lạt thấy cảnh đẹp dừng chân chụp vài kiểu ảnh rồi đến những tour du lịch. Và giờ Đa Mi đã trở thành 1 điểm đến trong chương trình tham quan của các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh. Nắm bắt cơ hội, người nông dân vốn dĩ quen với cái cày, cái cuốc đã mở dịch vụ tham quan vườn trái cây. Với giá 50.000 đồng, du khách vừa được tham quan vườn cây trĩu trái, vừa được thoải mái thưởng thức trái cây. Một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã đến Đa Mi mua đất làm du lịch. Trong lòng hồ Đa Mi đã có một doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái với cái tên rất kiếm hiệp “Đảo Đào hoa”. “Đa Mi có những điều kiện mà không có địa phương nào ở huyện có được. Không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ và giá cả rẻ hơn nhiều so với Lâm Đồng đang là những lợi thế để phát triển. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong khi ngành du lịch cả tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì du lịch Đa Mi lại phát triển khá tốt. Hiện tại, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đang kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến để xây dựng các khu nghỉ dưỡng”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Tiềm năng của Đa Mi còn rất lớn. Đó không chỉ là phát triển du lịch mà còn là xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Và để đánh thức được tiềm năng đó, cần những quyết sách đúng đắn và dài hơi của tỉnh.
Nguyễn Luân
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/da-mi-xanh-133550.html