Đà Nẵng: 14 năm dân 'sống treo' cùng dự án
14 năm các hộ dân ở 89 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) buộc phải sống trong những ngôi nhà xập xệ bởi vướng quy hoạch 'treo'!
Đi không được, ở chẳng xong
Nhiều năm nay, đoạn từ chân cầu Cẩm Lệ kéo dài đến chân cầu Nguyễn Tri Phương (TP Đà Nẵng) hàng chục hộ dân của tổ dân phố 89 vẫn còn sống trong cảnh khó khăn, thường xuyên bị ngập lụt, đường sá hư hỏng… mà vẫn không hề được sửa chữa hay xây dựng. Nguyên nhân là khu vực đang nằm trong vùng quy hoạch….
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngôi nhà của người dân nơi đây đã xuống cấp, tường bị nứt toát, trần nhà thì bị dột thấm… người dân phải dùng bạt để che chắn tạm bợ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Phan Vinh (SN 1946), Tổ trưởng tổ dân phố 89 phường Hòa Xuân cho hay, từ năm 2009 khu vực này được quy hoạch để làm Dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E thuộc Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Nhưng 14 năm trôi qua, dự án vẫn chưa phê duyệt khiến cuộc sống của những hộ dân rất vất vả.
Theo ông Vinh, năm 2009, Dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ được công bố quy hoạch. Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đất dự trữ ven sông phía Bắc khu E - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Cũng trong năm 2010, Đà Nẵng có quyết định về việc thu hồi, giao đất cho Sở Xây dựng quản lý để đầu tư xây dựng dự án.
Đến năm 2016, UBND TP Đà Nẵng có thông báo kết luận của UBND thành phố về việc thống nhất chủ trương thu hồi đất để giải tỏa 81 hộ dân có nhà ở thực sự theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường để chống ngập úng.
Ông Vinh cũng cho hay, năm 2018, HĐND TP Đà Nẵng có công văn liên quan đến giải tỏa tại khu vực này, nhưng không biết vì lý do gì mà từ đó đến nay dự án tạm dừng triển khai.
“Nhà cửa thì xuống cấp nhưng không được sửa chữa vì vướng quy hoạch, người dân đều phải sống trong cảnh nhà sập xệ. Người dân trong tổ dân phố đều mong muốn rằng nếu như thành phố Đà Nẵng quyết định thu hồi thì sớm thực hiện dự án và bố trí tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống. Chứ như thế này đi không được mà ở cũng chẳng xong, cực quá!”, ông Vinh nói.
Chỉ tay vào mái nhà bị dột nước mỗi mùa mưa, bà Phan Thị Ha cho rằng, dự án “treo” là “thủ phạm” khiến nhà dân xuống cấp, hệ thống cửa hư hỏng phải che chắn tạm bợ, mái ngói mục nát, thấm dột, tường nứt toác có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
“Nhà tôi có tới 5 người ở, nhưng nhà xây lâu rồi giờ xuống cấp, không sửa được. Cứ mưa lớn là ngập, dột nước chừ không biết làm cách chi”, bà Ha than thở.
Sớm giải quyết kiến nghị cho người dân
Tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 13/12/2023, đại biểu HĐND thành phố, Đinh Vui cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con tổ 89, phường Hòa Xuân vẫn kiến nghị UBND thành phố xem xét có hướng xử lý dự án tại đây.
Theo đại biểu Đinh Vui, quận Cẩm Lệ cũng đã nói rất nhiều lần về tổng mức giá trị đền bù, về số lô đất tái định cư khi được thành phố giao khái toán kinh phí. “Tuy nhiên, về phê duyệt dự án thì không biết tới lúc nào, quy hoạch phân khu thì chưa có, quy hoạch chi tiết thì càng chưa, do vậy việc triển khai trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ hết sức khó khăn”, ông Vui nêu ý kiến.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở xây dựng Đà Nẵng cho hay, khu vực trên không có vướng mắc về cấp độ quy hoạch xây dựng cũng như định hướng đầu tư xây dựng.
Trong đó, quy hoạch chung năm 2013 xác định là khu vực cây xanh công cộng, hành lang thoát lũ. Quy hoạch chung của Đà Nẵng năm 2019 cùng 3 quy hoạch chi tiết cũng xác định mục đích như trên. Trong quy hoạch 359 có khoảng 170ha dọc sông thuộc đất cây xanh công cộng cấp đô thị, đây là một trong những khu vực được bảo vệ rất nghiêm ngặt trong đồ án quy hoạch chung của Bộ Xây dựng đã quy định.
Ông Phong khẳng định, phương án rõ ràng, quan điểm và định hướng khu vực này chắc chắn là được bảo vệ theo vùng đệm thoát lũ và sẽ là khu công viên công cộng, cây xanh công cộng cấp đô thị (hành lang thoát lũ và công viên kết hợp).
Theo ông Phong, hiện vẫn chưa có chủ trương đầu tư, chưa có phê duyệt dự án tại tổ 89. UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương, thực hiện quy hoạch công viên công cộng cấp đô thị và hiện giao UBND quận Cẩm Lệ, UBND huyện Hòa Vang khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý đất đai cũng như lên phương án về giải tỏa đền bù cho khu vực này.
Về việc bảo đảm quyền lợi của người dân, ông Phùng Phú Phong cho biết giai đoạn 2020 - 2021, thành phố có ban hành một số quy định, cho phép người dân được sửa chữa nhà, tách thửa ở một số dự án chậm triển khai. Việc này đã tháo gỡ khó khăn của người dân tại khu vực tổ 89. Vị Giám đốc Sở Xây dựng cũng khẳng định thành phố đã có chủ trương và tiếp tục thực hiện theo định hướng quy hoạch chung tại khu vực này.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, khu vực tổ 89, phường Hòa Xuân có 81 hộ dân ở, 362 hồ sơ đất. Dự toán làm công viên thì kinh phí rất lớn, giải tỏa đền bù phải mất 375 tỷ đồng, bồi thường khoảng 322 lô đất tái định cư.
“Thành phố khẩn trương có quyết định cụ thể về phương án công viên chuyên đề tại tổ 89, phường Hòa Xuân. Trước mắt, những quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân trong vùng quy hoạch chưa triển khai dự án thì đề nghị UBND quận Cẩm Lệ hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, cần thiết họp dân để thông báo chính thức những quyền lợi được hưởng.
UBND thành phố, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan hết sức lưu ý giải quyết vấn đề tại tổ 89, phường Hòa Xuân vì đây là kiến nghị, bức xúc kéo dài lâu năm của người dân”, ông Triết yêu cầu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-nang-14-nam-dan-song-treo-cung-du-an-post668170.html