Đà Nẵng: Bị điện giật, bệnh nhân 26 tuổi được đưa về từ cõi chết một cách thần kỳ

Theo y văn, cấp cứu tuần hoàn cho bệnh nhân sau 30 phút mà không có hiệu quả thì coi như kết thúc cuộc cấp cứu, bởi vì đã thất bại. Thế nhưng bệnh nhân Lê H.D được Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống 'thần kỳ' dù đã ngừng tuần hoàn hơn 45 phút.

“Mấy chục năm làm nghề, đây là lần đầu tiên tôi thấy có bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn hơn 45 phút vẫn được cứu sống, gần như trở lại bình thường!”, TS.BS Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng thốt lên khi mở đầu buổi thông tin cho báo chí sáng 27/11 về một trường hợp mà ông gọi là “thần kỳ”.

Lãnh đạo BV Đà Nẵng và khoa HSSTCCĐ tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Lê H.D sáng 27/11.

Lãnh đạo BV Đà Nẵng và khoa HSSTCCĐ tặng hoa chúc mừng bệnh nhân Lê H.D sáng 27/11.

Trước đó, lúc 16h ngày 24/10, bệnh nhân Lê H.D (26 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang sửa điện sinh hoạt tại nhà thì bị điện giật, ngã trên mái tôn. Anh được đưa đến trạm y tế gần đó sơ cấp cứu và gọi Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng khi đã ngừng tim, ngừng thở. Cấp cứu 115 tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn, đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục trong 20 - 25 phút và chuyển đến khoa Cấp cứu (BV Đà Nẵng) khoảng 16h45 cùng ngày.

Lúc này, bệnh nhân D gần như đã ngừng tuần hoàn tuyệt đối, không còn dấu hiệu sống. Các bác sĩ khoa Cấp cứu vẫn quyết tâm cứu nạn nhân vì anh còn quá trẻ, tiếp tục cấp cứu, ép tim, bóp bóng qua nội khí quản... Đồng thời liên hệ khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ) đánh giá nhanh và khởi động ngay quy trình báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO.

Bệnh nhân nhanh chóng được vận chuyển có hỗ trợ cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao vào khoa HSTCCĐ. Ekip gồm khoa HSTCCĐ, khoa Ngoại tim mạch, đơn vị phòng mổ khoa Gây mê hồi sức kết nối VA ECMO trong 10 - 15 phút. BS.CK2 Bùi Văn Dung - Trưởng ekip thực hiện ECMO cho biết, với sự quyết liệt khởi động nhanh quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO, thời gian ngừng tim từ hiện trường đến thực hiện được kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân là 60 phút.

BV Đà Nẵng đã dùng mọi biện pháp hiện đại nhất của chuyên ngành HSTCCĐ để cứu sống bệnh nhân Lê H.D.

BV Đà Nẵng đã dùng mọi biện pháp hiện đại nhất của chuyên ngành HSTCCĐ để cứu sống bệnh nhân Lê H.D.

Bệnh nhân suy tuần hoàn cấp, suy hô hấp cấp, tổn thương thiếu oxy não sau ngừng tuần hoàn, thoát dịch ra khỏi lòng mạch nặng, tổn thương đa cơ quan… nên khoa HSTCCĐ điều trị bằng tất cả biện pháp hồi sức tích cực hiện đại nâng cao. Cụ thể là ECMO hỗ trợ tuần hoàn; thở máy hỗ trợ hô hấp; hạ thân nhiệt xuống 33 độ C để bảo vệ não khỏi bị tổn thương do ngừng tuần hoàn; thay huyết tương, lọc máu…

Bệnh nhân cũng được hội chẩn điều trị toàn viện với nhiều chuyên khoa Tim mạch, Hô hấp, Tiết niệu, Ngoại bỏng, Dinh dưỡng… Nhờ vậy, sau hơn 100 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân đã phục hồi tuần hoàn, cai được VA ECMO và tiếp tục điều trị nội khoa tích cực. Sau hơn 10 ngày, bệnh nhân cải thiện hô hấp, cai thở máy và được rút nội khí quản. Sáng 27/11, bệnh nhân D gần như trở lại bình thường và được BV Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng.

Theo BS.CK2 Hà Sơn Bình, Trưởng khoa HSTCCĐ (BV Đà Nẵng), đây là ca bệnh rất nặng, tưởng chừng hết hy vọng ở giai đoạn 24 giờ đầu tiên. Toàn BV đã dùng mọi biện pháp hiện đại nhất của chuyên ngành HSTCCĐ, chạy đua với biến chứng bệnh từng giờ từng phút. Cuối cùng bệnh nhân được hồi sinh ngoạn mục từ cõi chết, và sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân cải thiện tốt các chức năng và được xuất viện.

“Theo y văn, cấp cứu tuần hoàn cho bệnh nhân sau 30 phút mà không có hiệu quả thì coi như kết thúc cuộc cấp cứu, vì đã thất bại. Nhưng qua ca bệnh này minh chứng nếu có cấp cứu hết sức tích cực, đa chuyên khoa và các phương tiện hiện đại, kỹ thuật hiện đại áp dụng cùng lúc thì vẫn có thể hướng tới đưa bệnh nhân trở về lại với cuộc sống, hồi phục gần như bình thường”, TS.BS Lê Đức Nhân nhấn mạnh thêm.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/y-te/da-nang-bi-dien-giat-benh-nhan-26-tuoi-duoc-dua-ve-tu-coi-chet-mot-cach-than-ky/20241127120151541