Bài tập cho người mắc Hội chứng Prader-Willi

Hội chứng Prader-Willi là một rối loạn di truyền hiếm gặp, gây ra bởi bất thường trên nhiễm sắc thể số 15. Tập luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc Hội chứng Prader-Willi.

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Prader-Willi

Hội chứng Prader-Willi (Prader-Willi Syndrome - PWS) là một rối loạn di truyền hiếm gặp, gây ra bởi bất thường trên nhiễm sắc thể số 15. Đây là một bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến nhiều hệ thống trong cơ thể, bao gồm sự phát triển thể chất, hành vi và chuyển hóa.

NỘI DUNG:

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Prader-Willi

2. Những bài tập tốt nhất cho người mắc Hội chứng Prader-Willi

2.1 Bài tập Plank

2.2 Bài tập thăng bằng - Đứng trên một chân

2.3 Bài tập nâng chân một bên

2.4 Tư thế cái cây

3. Những lưu ý khi tập luyện

Bệnh thường biểu hiện với các triệu chứng đặc trưng như giảm trương lực cơ, khó bú ở giai đoạn sơ sinh và chậm phát triển trí tuệ ở các mức độ khác nhau.

Một đặc điểm nổi bật của Hội chứng này là cảm giác đói không ngừng, dẫn đến nguy cơ béo phì nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

Người mắc bệnh thường gặp các vấn đề hành vi như bùng phát cảm xúc, ám ảnh hoặc khó kiểm soát bản thân.

Ngoài ra, hội chứng này còn liên quan đến suy giảm chức năng sinh sản do rối loạn hormone. Việc chẩn đoán sớm và quản lý toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao sức khỏe lâu dài cho người bệnh.

Bài tập plank tăng cường sức mạnh vùng cơ lõi cho người mắc Hội chứng Prader-Willi (ảnh minh họa).

Bài tập plank tăng cường sức mạnh vùng cơ lõi cho người mắc Hội chứng Prader-Willi (ảnh minh họa).

Hiện nay, chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn Hội chứng Prader- Willi, nhưng các biện pháp can thiệp như liệu pháp hormone tăng trưởng, kiểm soát chế độ ăn và hỗ trợ tâm lý, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu vận động có thể giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Tập luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc Hội chứng Prader-Willi. Một trong những đặc điểm nổi bật của bệnh là cảm giác đói không ngừng và nguy cơ béo phì cao, do đó, các hoạt động thể chất là biện pháp thiết yếu giúp kiểm soát cân nặng, hạn chế các biến chứng liên quan đến thừa cân như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Người mắc Hội chứng này thường gặp phải tình trạng giảm trương lực cơ và yếu cơ, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và sức mạnh cơ thể. Các bài tập thể dục phù hợp có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện khả năng thăng bằng và linh hoạt.

Ngoài ra, tập luyện thể chất còn có lợi ích lớn đối với sức khỏe tâm lý. Người bệnh thường gặp các vấn đề về hành vi và cảm xúc, như bùng phát cảm xúc, ám ảnh hoặc trầm cảm. Các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, mang tính tương tác cao, có thể giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và tạo ra một môi trường tích cực để người bệnh hòa nhập với xã hội.

Bài tập nâng chân một bên giúp tăng sức mạnh cho hông và chân ở người mắc Hội chứng Prader-Willi (ảnh minh họa).

Bài tập nâng chân một bên giúp tăng sức mạnh cho hông và chân ở người mắc Hội chứng Prader-Willi (ảnh minh họa).

2. Những bài tập tốt nhất cho người mắc Hội chứng Prader-Willi

2.1 Bài tập Plank

- Cách thực hiện:

+ Bắt đầu bằng cách nằm sấp trên sàn hoặc thảm tập.

+ Đặt khuỷu tay xuống sàn, sao cho khuỷu tay ở ngay dưới vai, cẳng tay duỗi thẳng về phía trước, song song với nhau.

+ Nâng cơ thể lên bằng cách nhón mũi chân, giữ thăng bằng trên cẳng tay và ngón chân.

+ Siết chặt cơ bụng, cơ lưng và cơ mông để giữ lưng thẳng. Đảm bảo thân người từ đầu đến chân tạo thành một đường thẳng, không để hông cao hoặc võng lưng.

+ Giữ cổ thẳng, mắt nhìn xuống sàn để không căng cơ cổ.

+ Giữ tư thế plank này trong khoảng 20-30 giây lúc bắt đầu. Khi đã quen, có thể tăng dần thời gian lên 1-2 phút hoặc lâu hơn.

+ Thở đều và duy trì sự căng cơ ở vùng bụng, lưng và mông để giữ thăng bằng.

+ Hạ đầu gối xuống sàn từ từ để kết thúc bài tập, sau đó ngồi nghỉ và thư giãn.

- Tác dụng: Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh vùng cơ lõi bao gồm cơ bụng, lưng dưới và cơ hông thường bị yếu ở người mắc Hội chứng Prader-Willi do giảm trương lực cơ. Bài tập giúp tăng cường các nhóm cơ hỗ trợ cột sống, từ đó cải thiện tư thế, giảm nguy cơ đau lưng do cơ yếu.

Mặc dù là bài tập tĩnh, plank giúp tiêu hao năng lượng, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, quản lý tình trạng béo phì thường gặp ở người mắc Hội chứng này.

Tư thế cái cây giúp người bệnh phát triển khả năng phối hợp giữa não và cơ bắp (ảnh minh họa).

Tư thế cái cây giúp người bệnh phát triển khả năng phối hợp giữa não và cơ bắp (ảnh minh họa).

2.2 Bài tập thăng bằng - đứng trên một chân

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng, hai chân đặt gần nhau, giữ lưng và đầu thẳng (tay có thể đặt lên hông hoặc đưa ra hai bên để giữ thăng bằng).

+ Từ từ nhấc một chân khỏi mặt đất, gập gối nhẹ sao cho bàn chân nâng lên cách mặt đất khoảng 10-15 cm. Giữ tư thế này trong 10-20 giây (hoặc lâu hơn nếu có thể), hít thở đều.

+ Đổi sang chân còn lại và lặp lại động tác.

+ Thực hiện mỗi chân 2-3 lần, mỗi lần từ 10-30 giây, tùy khả năng.

- Tác dụng:Bài tập này giúp người bệnh kiểm soát cơ thể tốt hơn, giảm nguy cơ té ngã khi di chuyển. Đứng trên một chân giúp người tập tăng cường sự kết nối giữa não và cơ bắp, hỗ trợ khả năng phối hợp vận động; đồng thời bài tập tập trung vào các cơ chân, đặc biệt là cơ đùi, cơ hông, làm tăng sức mạnh của các cơ này, vốn thường bị yếu ở người mắc Hội chứng Prader-Willi do giảm trương lực cơ.

2.3 Bài tập nâng chân một bên

- Cách thực hiện:

+ Nằm nghiêng trên thảm tập yoga, duỗi thẳng chân. Tay dưới gập lại và kê dưới đầu để hỗ trợ, tay trên đặt trước ngực để giữ thăng bằng.

+ Đầu, lưng và chân nằm trên một đường thẳng, đảm bảo cơ thể không bị nghiêng về phía trước hoặc sau.

+ Hít vào, sau đó từ từ nâng chân bên trên lên cao khoảng 30-45 độ (hoặc cao hơn tùy khả năng); giữ chân thẳng, không gập gối. Duy trì tư thế nâng chân trong 1-2 giây, rồi từ từ hạ xuống.

+ Lặp lại 10-15 lần cho một bên chân, sau đó đổi bên và thực hiện tương tự.

- Tác dụng:Bài tập tập trung vào cơ hông và cơ đùi ngoài, giúp tăng sức mạnh cho hông, chân, hỗ trợ người bệnh thực hiện các hoạt động như đi bộ, đứng lên ngồi xuống, duy trì thăng bằng dễ dàng hơn. Nâng chân là bài tập đơn giản nhưng hiệu quả, giúp đốt cháy năng lượng, hỗ trợ kiểm soát cân nặng cho người bệnh.

2.4 Tư thế cái cây

- Cách thực hiện:

+ Đứng thẳng, hai chân sát nhau, giữ lưng và đầu thẳng, trọng lượng cơ thể phân bố đều trên hai bàn chân. Hít thở sâu để thư giãn và giữ sự tập trung.

+ Từ từ nâng một chân lên, đặt bàn chân lên đùi của chân còn lại; giữ thăng bằng, hai tay chắp lại trước ngực hoặc giơ lên trời; giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút, sau đó đổi chân.

+ Thực hiện bài tập từ 3-5 lần

- Tác dụng: Tư thế này đòi hỏi sự tập trung cao độ và kiểm soát cơ thể, giúp người bệnh phát triển khả năng phối hợp giữa não và cơ bắp. Việc tập trung giữ thăng bằng và hít thở trong tư thế này làm cho người bệnh giảm căng thẳng, cải thiện sự bình tĩnh và tăng khả năng tập trung.

Người mắc Hội chứng Prader-Willi thường dễ bị béo phì, do đó việc tập luyện cần được kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để giúp quản lý cân nặng.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần độ khó khi người bệnh dần quen với các động tác; đảm bảo người bệnh không cảm thấy quá mệt mỏi hoặc đau đớn.

- Do khả năng thăng bằng có thể yếu, người bệnh nên tập các bài tập thăng bằng gần tường, ghế hoặc vật cố định để tránh té ngã.

- Nếu cảm thấy đau hoặc mệt mỏi quá mức, cần dừng lại ngay lập tức và nghỉ ngơi.

- Các bài tập nên được thực hiện đều đặn, ít nhất 3-4 lần mỗi tuần, nhưng không nên tập quá lâu hoặc quá sức. Mỗi buổi tập nên kéo dài từ 15-30 phút tùy vào thể trạng của người bệnh.

- Người mắc Hội chứng Prader-Willi thường dễ bị béo phì, do đó việc tập luyện cần được kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để giúp quản lý cân nặng.

- Hội chứng Prader-Willi có thể đi kèm với các vấn đề về cảm xúc và hành vi, việc duy trì không khí tập luyện thoải mái, không căng thẳng là rất quan trọng.

BSNT Phan Bích Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-mac-hoi-chung-prader-willi-169241126110447756.htm