Đà Nẵng: Cận cảnh hai dự án 'treo' trên 'đất vàng' của địa ốc Vũ Châu Long (Bài 15)
Sau lễ khởi công hoành tráng 15 năm trước, hai dự án trên đất vàng của công ty Vũ Châu Long tại TP.Đà Nẵng vẫn dang dở để cỏ mọc hoang, nước tù đọng gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên đất.
Nhắc đến dự án "treo" tại TP. Đà Nẵng, người ta nghĩ ngay đến 3 dự án với gần 30.000 m2 "đất vàng" ngay xung quanh Nhà hát Trưng Vương ngay giữa trung tâm TP.Đà Nẵng gồm: Dự án Đà Nẵng Center của Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long (công ty Vũ Châu Long); dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian của Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông Việt Nam; dự án khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á.
Trong số 3 dự án nêu trên, dự án khiến người dân bức xúc nhiều nhất là dự án Đà Nẵng Center do công ty Vũ Châu Long làm chủ đầu tư "đắp chiếu" đến 15 năm.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công hai dự án Đà Nẵng Center và Han Riverside vào ngày 29/3/2008, ông Võ Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Vũ Châu Long thời điểm đó cho biết, sẽ triển khai công trình theo đúng tiến độ nhằm đưa dự án vào hoạt động trong cuối năm 2010.
Theo giới thiệu của công ty Vũ Châu Long, dự án Đà Nẵng Center có vị trí siêu đắc địa với 3 mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương và Phan Châu Trinh.
Dự án Đà Nẵng Center được UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 tại khu đất 7.878 m2 (số 8 đường Phan Châu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Đây là dự án khu phức hợp gồm căn hộ, trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao quy mô gần 40 tầng, tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án được cấp phép từ tháng 3/2008 đến tháng 3/2011 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, kể từ thời điểm năm 2011, dự án dừng triển khai, rồi lại được gia hạn 24 tháng (từ tháng 10/2016 – 10/2018). Nhưng cũng từ đó đến nay, dự án tiếp tục bất động, gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường trên khu đất, chủ đầu tư đã thi công một số hạng mục tường vây, cọc khoan nhồi... Tuy nhiên, do không có cửa thoát nước, cộng chiều sâu nhiều mét, khu vực DA trở thành ao tù nước đọng gây mất vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền TP. Đà Nẵng nhưng vẫn chưa được xử lý.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Tổ dân phố 31, phường Hải Châu 1 cho biết: "Dự án treo 15 năm nay, khu đất trở thành hồ nước mênh mông, cây cối um tùm, là nơi sinh sôi muỗi, chuột, rắn… Tổ dân phố, chi bộ phản ánh lên HĐND về vấn đề môi trường mà đến nay vẫn chưa được giải quyết".
Suốt ngần ấy thời gian họ phải sống trong cảnh khổ sở vì ruồi muỗi, rắn rết từ khu vực quây tôn của dự án thoát ra ngoài. Người dân nhiều lần bức xúc phản ánh với mong muốn dự án khởi động sẽ thay đổi bộ mặt khu dân cư, nhưng đâu lại vào đấy.
82 dự án vi phạm pháp luật
Sở TN-MT TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Bộ TN-MT về việc công khai các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, qua kiểm tra đã xác định 82 DA, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định điểm i, khoản 1, điều 64 luật Đất đai 2013. Sở đã tham mưu UBND TP ban hành các quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo đúng quy định. Các chủ đầu tư, người sử dụng đất đã nộp tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách, với số tiền hơn 345 tỉ đồng.
Dự án thứ 2 do Công ty địa ốc Vũ Long Châu làm chủ đầu tư là Khu phức hợp trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Hanriverside nằm trên đường Như Nguyệt, (P.Thuận Phước, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cũng dở dang nhiều năm.
Theo Cổng thông tin TP Đà Nẵng, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp được xây dựng tại lô đất A1.12 đến A1.17 đường Như Nguyệt.
Dù được chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công cùng với dự án Đà Nẵng Center vào ngày 29/03/2008 thế nhưng mãi đến ngày 02/11/2016 dự án mới được UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất phương án kiến trúc tại Thông báo số 169/TB-UBND. Trong năm 2016, chủ đầu tư thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng.
Cũng tại thời điểm năm 2016, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 117/QĐ-XPVPHC ngày 8/9/2016 với mức phạt 40 triệu đồng về hành vi xây dựng không phép. Chủ đầu tư đã chấp hành nộp phạt.
Sau đó, dự án này vẫn tiếp tục thi công không phép và bị dư luận phản ánh nên Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng ban hành thông cáo báo chí cho biết sẽ đề xuất UBND thành phố xử phạt hành vi tái phạm theo quy định, đồng thời yêu cầu UBND quận Hải Châu triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn.
Gần 7 năm sau khi bị xử phạt, dự án vẫn là khối nhà 7 tầng xây dựng dang dở. Giống như dự án Đà Nẵng Center, Khu phức hợp trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Han Riverside trở thành hồ chứa nước mưa lớn và cỏ dại mọc um tùm.
Nhân dân và cử tri thành phố Đà Nẵng mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý triệt để những vấn đề mà người dân mong muốn, kiến nghị.
Luật sư Hà Huy Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco cho rằng, dự án chậm tiến độ, dự án treo gây lãng phí lớn về tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và của cả ngân sách Nhà nước; làm méo mó hình ảnh về môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khả năng thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc dự án bị chậm tiến độ cũng phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của chúng ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội. Nhìn tổng quan, đó là thứ mà chúng ta đang rất yếu.
Để một dự án tồn tại trên thị trường, phải qua rất nhiều cửa ải pháp luật, không chỉ liên quan đến quy định về đất đai, về đầu tư, về phòng cháy chữa cháy, về xây dựng và thuế, tài chính. Đã có nhiều hội thảo, bài báo, công trình nghiên cứu chắt lọc ra những chồng chéo, mâu thuẫn và bất cập về pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản; nhưng thị trường nhìn nhận đơn giản và trực quan hơn, đó là hiện tượng dự án bị chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, vấn đề triển khai thực hiện các quy định pháp luật vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, bao gồm cả cải cách hành chính, năng lực làm việc của công chức Nhà nước và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề này có sự cộng hưởng với nhau để tạo nên những dự án treo, chậm tiến độ.
(Còn nữa)