Đà Nẵng cần cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp bối cảnh dịch Covid-19
TP Đà Nẵng cần nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp trong tình hình mới, đảm bảo thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hết sức cần thiết
Tại phiên thảo luận ở kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sáng 16/12, đa số đại biểu thống nhất về kịch bản phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TP năm 2022 theo “Kịch bản trung bình và chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn - GRDP tăng 6 - 7%; thu ngân sách nhà nước phấn đấu vượt 3 - 5% số thu năm 2021”.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới Omicron, dự báo sẽ tác động lớn, khó lường đến khả năng phục hồi và phát triển KT-XH của TP. Có ý kiến đề nghị điều chỉnh các chỉ tiêu KT-XH năm 2022 đảm bảo phù hợp và có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để thực hiện chỉ tiêu đề ra.
Đại biểu Võ Tín - Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng cho rằng, TP cần nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp trong tình hình mới, đảm bảo thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong đó, điều chỉnh cơ cấu tỷ trọng nội bộ từng ngành trong từng lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo phù hợp, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với thiên tai, dịch bệnh và hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian đến.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết: “Phát triển thương mại dịch vụ vốn là thế mạnh của Đà Nẵng thời gian qua, trong đó tập trung nhất là dịch vụ về du lịch. Với cơ cấu kinh tế dịch vụ du lịch chiếm trên 65%, công nghiệp và nông nghiệp cùng chiếm khoảng 22%. Thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kinh tế TP có những suy giảm đáng kể.
Cụ thể, GRDP năm 2020 âm 8,2% và năm 2021 tăng 0,18% (so với 2020). TP đã nhận thấy rõ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là hết sức cần thiết, và phải tái cơ cấu lại theo hướng tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, tài chính, giáo dục và y tế chất lượng cao”.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư
Thay đổi lại cơ cấu nền kinh tế là việc cần thiết nhưng Đà Nẵng vẫn cần tập trung phát triển đối với dịch động du lịch vốn là thế mạnh. “Cần khai thác hiệu quả những sản phẩm sẵn có, đồng thời xây dựng những sản phẩm mới. TP cần tập trung cho ra đời và triển khai đối với các khu du lịch, dự án mới còn vướng mắc như Khu sinh thái Nam Ô, Khu du lịch làng Vân, tổ hợp pháo hoa…” - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Thanh Tâm cho biết thêm, TP Đà Nẵng đã tập trung thu hút đầu tư và ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí, trọng điểm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp có giá trị tăng cao.
Hiện nay, TP đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải tỏa các cụm khu công nghiệp. Song song triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công và các chính sách phát triển sản phẩm như sản phẩm du lịch; đồng thời đẩy mạnh phát triển thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Một lĩnh vực khác mà Đà Nẵng đang tập trung phát triển là công nghệ thông tin - truyền thông (ICT). Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Đà Nẵng phấn đấu ICT đạt doanh thu tăng 6% so với năm 2021 (1,3 tỷ USD) và kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, tăng 11,7%.
Ngoài ra, Đà Nẵng đang tập trung là phát triển dịch vụ logistics gắn liền với cảng biển, cảng hàng không. “TP tập trung đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án Cảng Liên Chiểu, nâng cấp mở rộng Nhà ga hành khách T1 cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng; xử lý các vướng mắc để hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án mới…” - bà Trần Thị Thanh Tâm cho hay.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng mà đại biểu Tâm nhấn mạnh đến đó là việc TP Đà Nẵng đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chủ động thu hút đầu tư phù hợp trong diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Đà Nẵng đã hoàn thành và đưa vào khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 vào quý III năm 2021 và giai đoạn 2 dự kiến năm 2022. Hiện đã có 18 doanh nghiệp và tập đoàn lớn đăng ký đầu tư vào đây; trong đó có 5 tập đoàn, DN nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.