Đà Nẵng cần giải quyết hài hòa, biện chứng giữa phát triển nhanh và bền vững

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 22-8 về tình hình thực hiện các mặt công tác của Đảng bộ thành phố thời gian qua và việc triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ngày 22-8 về tình hình thực hiện các mặt công tác của Đảng bộ thành phố thời gian qua và việc triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Không để phát triển chệch hướng

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho biết, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo bám sát triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, đặc biệt đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Thực hiện nhất quán chủ trương rà soát, điều chỉnh bất cập trong quá trình phát triển thời gian qua...

Theo ông Võ Công Trí, tình hình KT-XH thành phố cơ bản ổn định, tuy nhiên, có một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có dấu hiệu suy giảm và đạt kết quả khá thấp so với kế hoạch; một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ đóng góp cao chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ còn kéo dài; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập... Một số vụ việc sau thanh tra, kiểm tra, điều tra, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung của thành phố và tư tưởng, tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận CBCCVC.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, ông Võ Công Trí đề nghị Ban Kinh tế T.Ư báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm đến 5 kiến nghị của Đà Nẵng. Cụ thể, đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ ngành có liên quan phối hợp với UBND TP để nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo các Đề án triển khai Nghị quyết 43 và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, để có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội ngay trong năm 2019. Đề nghị Ban Kinh tế Trung ương báo cáo Bộ Chính trị có sự quan tâm, chỉ đạo Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để TP Đà Nẵng triển khai các dự án, công trình động lực, trọng điểm không chỉ cho Đà Nẵng mà phục vụ cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên như nội dung Nghị quyết 43 đã xác định. Nhất là vốn cho dự án đóng vai trò gắn kết, liên kết và tạo động lực phát triển khu vực miền Trung, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng mang tính chất của vùng (như xây dựng cảng Liên Chiểu, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời Ga đường sắt, dự án Nhà ga hành khách T3-sân bay Đà Nẵng, các dự án phối hợp với tỉnh Quảng Nam mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2 (QL14D), mở rộng QL14B, QL14G, khơi thông sông Cổ Cò)...

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, những thành quả mà Đà Nẵng có được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 là không thể phủ nhận, tuy nhiên, có một số cơ chế, chính sách nêu trong nghị quyết vẫn chưa được tiếp cận một cách nghiêm túc. Ví dụ như một số dự án mang tính chất vai trò, động lực vùng như làng đại học Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, ga đường sắt... sau 15 năm vẫn dậm chân tại chỗ. Vì vậy, khi triển khai Nghị quyết 43, Đà Nẵng đã tiếp cận một cách rất bài bản, trước hết là quy hoạch phát triển KT-XH (mời đơn vị tư vấn nổi tiếng của Singapore làm quy hoạch) để giữ cho Đà Nẵng phát triển không chệch hướng. Nhắc lại thời điểm năm 2003, Đà Nẵng cũng có một bản quy hoạch rất tốt do một đơn vị của Australia xây dựng, tuy nhiên, trong quá trình phát triển đến nay, thì đã xuất hiện rất nhiều bất cập, tất nhiên không phải do đồ án quy hoạch ấy mà là do quản lý quy hoạch tùy tiện, không đúng.

Đừng để 10, 15 năm sau “nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị”

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình ghi nhận việc Đà Nẵng rất quan tâm, rất mong chờ vào Nghị quyết 43. Cho biết, bản thân ông đi làm việc với nhiều địa phương, các địa phương cũng muốn ban hành nghị quyết nhưng nói thẳng ra thì không phải địa phương nào cũng có tinh thần như Đà Nẵng. Có nhiều địa phương vẫn nặng về hình thức, muốn trung ương ra một nghị quyết để cho oai, cho hoành tráng, và coi như đó là cái cớ để thể hiện sự vượt trội của mình so với các địa phương khác, chứ một phần họ cũng chưa tin tưởng nghị quyết có thể thực hiện được. Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho biết, ông cũng đã trực tiếp dự rất nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết nghị quyết, thế nhưng có một điều tưởng như bình thường nhưng lại rất vô lý là tổng kết nghị quyết mà cứ bảo là sau 10 năm, 15 năm nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị. “Nói như thế bên cạnh cái vui thì cũng nặng trĩu nỗi buồn. Vui là vì tầm nhìn của ta ghê quá, hoành tráng quá, để rồi 10, 15 năm sau vẫn nguyên giá trị. Thế nhưng, phải chăng nhìn xa quá, cho nên theo không kịp. Nghị quyết ra là để đi vào cuộc sống, vậy mà 10, 15 năm sau vẫn còn nguyên giá trị thì hỏng rồi. Ví dụ có đứa con, ai mà chả mong con mình khôn lớn. Lúc 5 tuổi may cho nó cái áo, hy vọng rằng cái áo này sau vài năm sẽ phải thay, nhưng đến 10 năm sau nó vẫn mặc vừa cái áo ấy thì hóa ra con mình không lớn gì cả. Thế thì nguy hiểm quá”, ông Bình nói.

Quay trở lại Nghị quyết 43, trên cơ sở báo cáo, phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự vào cuộc rất cầu thị và đầy trách nhiệm của Đà Nẵng. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Đà Nẵng liền bắt tay thực hiện, và chỉ trong một thời gian ngắn nhưng các khâu cơ bản nhất cũng đã triển khai rốt ráo, bài bản. Cho biết, việc Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa Nghị quyết 43 bằng 12 chuyên đề ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm là rất tốt, vấn đề còn lại là cách thức nào để thực hiện và đem lại kết quả.

Trên quan điểm, tầm nhìn của Nghị quyết 43, Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định đây là hướng đi rất đúng. Vấn đề là phải làm sao quy hoạch này như là “pháp luật” bắt buộc của địa phương. Một quy hoạch có thể chưa phải là hay lắm, nhưng tuân thủ đúng quy hoạch đó thì đã là rất tốt rồi. Bởi khi làm quy hoạch, người ta đều đặt ra mục tiêu, mục tiêu đó có thể không đúng 100% như cơ bản là đúng. “Với bản quy hoạch của Đà Nẵng tầm nhìn đến năm 2045 thì là dài hạn, sẽ qua nhiều thế hệ lãnh đạo cũng như cán bộ các cấp. Vậy để làm sao mỗi một thế hệ đóng góp vào đó một viên gạch, qua nhiều thế hệ thì bản quy hoạch ấy sẽ trở thành hiện thực. Ở đây, Đà Nẵng cần thấm nhuần tư tưởng phát triển nhanh nhưng phải bền vững”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Về các kiến nghị, đề xuất của Đà Nẵng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho biết sẽ phối hợp cùng với địa phương để tháo gỡ hoặc kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quốc hội cùng các bộ, ngành liên quan giải quyết...

DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_211411_da-nang-can-giai-quyet-hai-hoa-bien-chung-giua-phat-trien-nhanh-va-ben-vung.aspx