Đà Nẵng: Đã hỗ trợ cho hơn 99.500 người sau dịch COVID-19
Sau 2 tháng triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ cho hơn 99.500 người thuộc đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người lao động, hộ kinh doanh cá thể với kinh phí hơn 106,7 tỷ đồng.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 30/6, toàn Thành phố đã hỗ trợ cho 96.502/99.350 người thuộc đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, đạt tỉ lệ 97,1%, với kinh phí là 103,65 tỷ đồng (trong đó đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 là 95.381/95.934 người, đạt tỉ lệ 99,4% và đối tượng đặc thù bổ sung của Thành phố là 1.121/1.914 người, đạt tỉ lệ 58,6%).
Hỗ trợ cho 3.025 người lao động, hộ kinh doanh cá thể với kinh phí là 3,08 tỷ đồng (trong đó có 40 người thuộc đối tượng mở rộng của Thành phố). Trong đó, về hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, đã xem xét quyết định hỗ trợ 12 doanh nghiệp với 114 người lao động, tổng số tiền hỗ trợ là 205,2 triệu đồng.
Về hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, đã tham mưu UBND Thành phố quyết định hỗ trợ 90 hộ kinh doanh cá thể, số tiền hỗ trợ là 90 triệu đồng; 2.821 lao động (chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm) số tiền hơn 2,7 tỷ đồng (đã trừ số tiền đã nhận trước do đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo). Hiện nay, các địa phương đang tổng hợp và tiếp tục trình Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, qua theo dõi việc triển khai thực hiện của các địa phương, việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 trên địa bàn Thành phố đến nay khá ổn định, chưa có đơn thư khiếu nại, chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, chạy chính sách xảy ra.
Các cấp cùng với ban ngành, đoàn thể và hệ thống chính trị đã chủ động, quyết liệt, kịp thời quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ, của Thành phố đến người dân về hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, phát huy được vai trò của nhân dân, không để lọt, sót đối tượng.
Bên cạnh một số thuận lợi nêu trên, quá trình thực hiện gói hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập đó là quá trình triển khai các biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ còn khá phức tạp, nhất là trong thời gian đầu triển khai, thông tin trả lời trên các trang của bộ, ngành chưa nhất quán nên gây nhiều khó khăn cho cơ sở khi giải thích cho nhân dân đến yêu cầu giải quyết hỗ trợ; tình trạng người dân ồ ạt lên phường yêu cầu hướng dẫn kê khai theo thông tin hỗ trợ của Nghị quyết 42 trong thời gian đầu đã gây áp lực lớn và quá tải cho bộ máy cán bộ cơ sở; trong quá trình lập danh sách do quy định chưa chặt chẽ nên gây khó khăn cho các địa phương; thời gian thẩm định quá ngắn (2-3 ngày), lực lượng cán bộ mỏng.
Đặc biệt, có nhiều vướng mắc trong việc hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể, người lao động tự làm, lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Cụ thể, người lao động làm việc ở một số nhóm ngành trực tiếp bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng không nằm trong quy định của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg và không được hỗ trợ dẫn đến gây bức xúc trong nhân dân.
Số lượng khảo sát đối với nhóm đối tượng này trước khi có Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rất lớn và không giới hạn các nhóm ngành công việc. Nhưng khi triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì có một số nhóm người lao động làm các công việc do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và mất việc làm nhưng không được xét hỗ trợ nên gây khó khăn cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ ở các địa phương.
Việc kiểm tra và thẩm định hồ sơ của các địa phương rất khó do yêu cầu công việc của người lao động phải đúng nhóm ngành theo quy định, địa chỉ nơi làm việc cụ thể… nhưng người lao động chỉ ghi chung chung là lao động tự do, làm việc ở lĩnh vực ăn uống, lưu trú mà không ghi địa chỉ (ví dụ: Có trường hợp khi khảo sát kê khai là thợ nề, nhưng khi làm đơn đề nghị ghi công việc khác hoặc ghi chung chung là lao động phổ thông… để được xét hưởng hỗ trợ); số lượng hồ sơ nộp nhiều dẫn đến việc thẩm định và trình cho Thành phố chậm.