Đà Nẵng: Đề nghị lấy ý kiến, xem xét hồ sơ đăng ký đầu tư vào cảng Liên Chiểu
Ngày 15/8, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT lấy ý kiến Bộ GTVT và căn cứ Nghị quyết 136 của Quốc hội để xem xét xử lý hồ sơ của các nhà đầu tư đăng ký vào cảng Liên Chiểu.
Theo UBND TP Đà Nẵng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 (ngày 26/6/2024) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, trong đó cho phép TP được thí điểm thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu.
Đồng thời cảng Liên Chiểu được đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược với nội dung: “Đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến cảng Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư 45.000 tỷ đồng trở lên”.
Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT lấy ý kiến của Bộ GTVT và căn cứ Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội để xem xét, thẩm định các nội dung về sự phù hợp quy hoạch do nhà đầu tư đề xuất với chủ trương nêu trên để xem xét xử lý hồ sơ của các nhà đầu tư đã nộp.
Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư đề xuất để thông báo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về định hướng kêu gọi đầu tư tổng thể bến cảng Liên Chiểu tại TP Đà Nẵng; trường hợp không có sự đồng thuận thì đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Như tin đã đưa, tháng 3/2024, trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận phương án kêu gọi đầu tư các khu bến trong quy hoạch cảng Liên Chiểu, UBND TP Đà Nẵng đề xuất đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch).
UBND TP Đà Nẵng cho biết, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị nắm 75% vốn điều lệ của Công ty CP Cảng Đà Nẵng) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Adani (Ấn Độ) để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu khi cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư.
Theo UBND TP Đà Nẵng, phương án kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng Liên Chiểu (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch) có nhiều ưu điểm. Cụ thể là khắc phục hạn chế mà các cảng lớn hiện nay đang gặp phải như từng bến đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, có nhiều chủ cảng, nhiều bộ máy quản lý; khó khăn trong điều phối sử dụng hiệu quả các bến, cầu bến (vùng đất, vùng nước), kho bãi, thiết bị, tiếp nhận nhiều tàu cập bến cảng cùng một thời điểm.
Nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn phương án đầu tư và khai thác hiệu quả nhất, chủ động trong việc khai thác và cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực, yên tâm phát triển trong ngắn hạn và dài hạn. Không có việc tranh chấp lợi ích giữa các nhà đầu tư trong cùng 1 khu bến.
Đồng thời sẽ lựa chọn được một nhà đầu tư lớn có năng lực và kinh nghiệm. Điều này có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự thành công và hiệu quả của dự án, góp phần thực hiện được mục tiêu, định hướng phát triển cảng Liên Chiểu, có khả năng lan tỏa thu hút các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư vào TP Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chọn phương án đầu tư tổng thể toàn bộ khu bến theo quy hoạch (có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn). Về phương án đầu tư bến cảng Liên Chiểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo “…hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, cảng biển Đà Nẵng bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ, hiệu quả tối ưu…”.