Đà Nẵng đề nghị thông qua chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu đón được tàu 100.000 DWT
Cảng Liên Chiểu sau khi hoàn thành có năng lực thông qua 3,5 – 5 triệu tấn hàng/năm sẽ là đầu mối giao thông hàng hải lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ.
Vị trí dự kiến xây dựng Cảng Liên Chiểu.
UBND Tp. Đà Nẵng vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng.
Dự án cảng Liên Chiểu bao gồm 2 phần: phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự kiến đầu tư bằng nguồn NSNN và phần kêu gọi đầu tư, bao gồm các khu bến cảng, các bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng.
Đối với phần cơ sở hạ tầng dùng chung, UBND Tp. Đà Nẵng đề nghị đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển 2 bến ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn; tàu container có sức chở từ 6.000 – 8.000 TEU; đảm bảo lượng hàng thông qua từ 3,5 – 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch.
Các hạng mục quan trọng tại phần cơ sở hạ tầng dùng chung gồm: kè chắn sóng (dài 820m) và đê chắn sóng (dài 350m) đảm bảo thời gian khai thác cảng trên 300 ngày/năm; luồng tàu 1 làn dài 7,25 km, rộng 160 m, cao độ đáy – 14m; khu quay trở, hệ thống tín hiệu hàng hải; tuyến đường bộ kết nối từ đường nội bộ của cảng qua cầu Liên Chiểu về đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu thuộc quận Liên Chiểu đi qua Quốc lộ 1A mới (đường Nam Hải Vân); gia cố, san nền tôn tạo mặt bằng các khu hạ tầng công cộng dùng chung.
Các hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung sẽ được triển khai trong giai đoạn 2020 – 2024.
Dự kiến, tổng mức đầu tư cho hợp phần này là 3.426 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.995 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí GPMB, QLDA, tư vấn và dự phòng. Đà Nẵng dự kiến góp 12,6% tổng mức đầu từ ngân sách địa phương, bố trí trong giai đoạn 2021 – 2025; phần còn lại do Ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 (30 tỷ đồng) và giai đoạn 2021 – 2025.
Đối với các hạng mục XHH, Đà Nẵng cho biết là sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch và triển khai song song với phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Với việc hội tụ các yếu tố như: mớn nước sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây và khu vực Trung Trung Bộ, khả năng Cảng Liên Chiểu là cảng trung chuyển khu vực Đông Nam Á trong tương lai là rất lớn.
"Nếu chậm xây dựng cảng Liên Chiểu, các cảng láng giềng (đối thủ cạnh tranh) như: Singapore, Thái Lan,… sẽ đua nhau làm cảng để phát triển logistics. Lúc đó, cảng Đà Nẵng sẽ gặp khó khăn về thu hút hàng hóa", ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đánh giá.