Đà Nẵng đề xuất Quốc hội có luật riêng để ứng phó trong trường hợp cấp bách
UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội ban hành một luật riêng cho trường hợp cấp bách, tránh tình trạng bị động hay sai phạm không đáng có.
Đoàn giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 và kết quả thực hiện Nghị quyết 30/2021 Quốc hội về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội và y tế.
Cần luật riêng cho trường hợp cấp bách
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, COVID-19 là dịch bệnh chưa có tiền lệ. Các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về phòng chống dịch, các định mức về sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men chưa theo kịp với thực tiễn diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch bệnh.
Trước yêu cầu “4 tại chỗ”, Đà Nẵng đã thực hiện công tác mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch trong bối cảnh nhiều khó khăn. Thông tin về chủng loại, giá cả không đầy đủ, chưa cập nhật kịp thời trên các cổng công khai mua sắm, đấu thầu của các cơ quan chức năng.
Nhất là trong các giai đoạn cao điểm bùng phát dịch đã xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Giá cả hàng hóa thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc mua sắm.
Theo bà Yến, yêu cầu “chống dịch như chống giặc” nhưng các thủ tục, quy trình mua sắm theo quy định đòi hỏi thời gian thực hiện.
Ngoài ra, áp lực về thời gian mua sắm khiến việc tìm hiểu thông tin, rà soát, kiểm tra các hồ sơ của các nhà thầu, đơn vị cung ứng hàng hóa bị hạn chế. Việc thẩm định giá của các cơ quan, đơn vị thẩm định giá nhà nước và doanh nghiệp trong giai đoạn giãn cách xã hội, mua sắm khẩn cấp không được thực hiện thường xuyên.
Bà Yến cũng cho rằng lực lượng tuyến đầu chống dịch không có nhiều kinh nghiệm trong công tác mua sắm, đấu thầu.
“Bối cảnh này đặt ra nhiều rủi ro cho công tác mua sắm khi đồng thời phải đáp ứng yêu cầu vừa sẵn sàng, kịp thời cho công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo mua sắm, sử dụng hiệu quả”, bà Yến cho hay.
Từ thực tiễn này, bà Yến kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành một luật riêng cho trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa cấp bách. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng kịp thời nhằm mục tiêu bảo vệ an toàn, tính mạng của người dân, tránh tình trạng bị động hay sai phạm không đáng có.
Sẽ có cơ chế đặc thù?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong ghi nhận nỗ lực của Đà Nẵng trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề lên mọi mặt kinh tế - xã hội.
Ông Phong cũng đồng tình và ghi nhận những kiến nghị của Đà Nẵng về việc ban hành cơ chế đặc thù cho cán bộ y tế cơ sở hay cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch.
Cụ thể như việc có thể nâng định mức giá trị gói thầu mua sắm thuộc thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị phù hợp với quy mô đơn vị để tăng quyền tự chủ cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm.
Điều này nhằm tránh việc chậm trễ trong công tác đấu thầu, mua sắm và để các đơn vị chủ động mua sắm kịp thời, phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó là cơ chế tổ chức mua sắm tập trung cấp trung ương hoặc cấp tỉnh phục vụ cho các tình huống khẩn cấp nói chung và phòng chống dịch nói riêng nhằm đảm bảo theo quy định, để các sở chuyên môn tập trung thực hiện công tác quản lý ngành theo nhiệm vụ được giao.