Đà Nẵng định vị thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu
Với tốc độ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Với nhiều sự kiện, lễ hội tầm cỡ, nhiều giải thưởng danh giá, thành phố bên sông Hàn đang khẳng định thương hiệu là điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực và thế giới.
Hành trình bứt tốc ấn tượng
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, với những ý tưởng sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp, người dân Đà Nẵng đã có hành trình 15 năm tổ chức thành công nhiều sự kiện lễ hội đặc sắc và tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Lễ hội Pháo hoa Quốc tế, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG5), Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race… là những sự kiện đưa tên tuổi thành phố đến với bạn bè năm châu. Năm 2016 là cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên ngành du lịch đón nhận danh hiệu “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”. Đây là giải thưởng du lịch danh giá do Tổ chức Du lịch Thế giới (Word Travel Award) trao tặng, nhằm tôn vinh các thành tựu của điểm đến mang tầm quốc tế.
Một năm sau đó, Đà Nẵng đã vinh dự được chọn đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC. Đến năm 2022, thành phố đạt 4 danh hiệu, giải thưởng danh giá, trong đó có 3 danh hiệu do các tổ chức quốc tế uy tín trao tặng gồm: “Top điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022” do trang TripAdvisor công bố dựa trên sự bình chọn của du khách khắp nơi trên thế giới; “Top 10 thành phố du lịch tốt nhất Đông Nam Á năm 2022” tại Giải thưởng Du lịch Asias Best Awards 2022 của tạp chí du lịch nổi tiếng Travel & Leisure (New York, Mỹ); “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA). Lần thứ hai kể từ năm 2016 đoạt giải thưởng tại hạng mục này, Đà Nẵng đã ghi tên mình một cách thuyết phục vào danh mục các điểm đến hiện đại, an toàn với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Trong năm 2022 và 2023, du lịch Đà Nẵng thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới bởi nhiều sự kiện mang tầm quốc tế được đăng cai tổ chức thành công như: Diễn đàn Phát triển Đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, Lễ hội Khinh Khí cầu 2022, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải BRG Open Golf Championship, Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng DIFF, Lễ hội Tận hưởng mùa Hè Enjoy Danang, Liên hoan Phim châu Á-Đà Nẵng… cùng với nhiều sự kiện, cuộc thi quốc tế khác.
Tháng 11-2023, Tạp chí Condé Nast Traveller (CN Traveller), tạp chí du lịch nổi tiếng chuyên dành cho phân khúc du lịch sang trọng, cao cấp có trụ sở chính tại Anh đã công bố Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam đứng vị trí thứ hai trong top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024. “Đà Nẵng có các điểm nhấn kiến trúc độc đáo, cảnh quan độc đáo mang tính bản sắc, thành phố cũng là điểm đến có tính kết nối cao với các vệ tinh xung quanh như Hội An, Thừa Thiên - Huế. Cùng với đó, các trải nghiệm mới, các sự kiện, lễ hội, điều kiện về cơ sở hạ tầng của các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú chính là những điểm cộng trong các tiêu chí, trở thành lý do thuyết phục các chuyên gia du lịch trên toàn thế giới”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết.
Được đánh giá là một trong những thành phố có tốc độ phục hồi du lịch tốt nhất Việt Nam, năm 2023 Đà Nẵng tiếp tục bội thu về danh hiệu do các tổ chức uy tín bầu chọn. Đó là Điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong Hè 2023, trên trang Booking.com; điểm đến đứng thứ hai trong số điểm đến "Du mục Kỹ thuật Số" (Digital Nomad) phát triển nhanh nhất thế giới (theo Tạp chí Du lịch Outlook Traveller). Vào tháng 2-2023, Biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á do trang Tripadvisor công bố… Với sự bứt phá mạnh mẽ từ sau dịch COVID-19, năm 2023 lượng khách do cơ sở lưu trú của thành phố phục vụ đạt hơn 7,39 triệu lượt, tăng gấp hai lần so với năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,98 triệu lượt, tăng hơn gấp 4,2 lần. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với một năm trước đó.
Làm mới sản phẩm, chất lượng dịch vụ để phát triển thương hiệu điểm đến
Lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định, để đạt các danh hiệu uy tín trong lĩnh vực du lịch cần một quá trình khẳng định lâu dài. Vinh dự đó cũng đồng nghĩa với việc Đà Nẵng phải làm quen với áp lực cạnh tranh điểm đến để giữ và phát huy giá trị mà danh hiệu, thương hiệu mang lại.
Để tiếp tục khẳng định thương hiệu là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và thế giới, trong những năm qua, thành phố đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao. Những nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vin Group, DHC, Alphanam, BRG Group, Sovico Holdings, Mikazuki... đã đến, ở lại và góp phần quan trọng thay đổi diện mạo du lịch của thành phố sông Hàn. Tính đến đầu năm 2024, Đà Nẵng có 16 khu, điểm du lịch (tăng 9 khu, điểm so với năm 2010); 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46 ngàn phòng (tăng 1.104 cơ sở và hơn 40.000 phòng).
Ông Đỗ Trọng Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng chia sẻ, việc tiếp đón hành khách, đặc biệt là khách quốc tế qua đường hàng không là khâu “lễ tân” quan trọng trong phát triển thương hiệu du lịch thành phố. Sau những nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến cơ sở vật chất và nâng cao trải nghiệm hành khách, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã trở thành nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được xếp hạng 5 sao theo tiêu chuẩn Skytrax. Điều này càng quý giá khi tính đến năm 2023, chỉ có 19 sân bay và 3 nhà ga sân bay trên thế giới được Skytrax xếp hạng 5 sao. “Chúng tôi tiếp tục đặt hành khách làm trung tâm, và dĩ nhiên nhà ga sân bay cũng là một trong những điểm đến quan trọng của thành phố. Chính vì vậy, các kế hoạch và hạng mục đầu tư sẽ đều phục vụ mục đích mang tới cho du khách những trải nghiệm ngày càng tốt hơn, liên tục đáp ứng những tiêu chí và đánh giá chất lượng toàn cầu”, ông chia sẻ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Sun Group Vùng miền Trung tự hào khi đã cùng thành phố xây dựng nên một sản phẩm đẳng cấp: Lễ hội Pháo hoa quốc tế (DIFF). Năm 2024 là năm thứ 12 DIFF được tổ chức tại Đà Nẵng. Lễ hội đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần lan tỏa điểm đến Đà Nẵng tới bạn bè năm châu.
Để thu hút du khách và cạnh tranh điểm đến ngày càng “khốc liệt”, sản phẩm du lịch là yếu tố tiên quyết. Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, đây là lĩnh vực ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng có chiều sâu, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách trong xu hướng du lịch mới. Hiện tại, Đà Nẵng đã hình thành 9 nhóm sản phẩm du lịch đang thực sự thu hút khách gồm: du lịch biển gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch lễ hội/sự kiện; du lịch văn hóa-lịch sử, vui chơi giải trí; du lịch về đêm; du lịch đường thủy; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp; du lịch cưới; du lịch MICE (hội họp) và du lịch golf. Năm 2024, ngành Du lịch thành phố đặt mục tiêu đạt 8,42 triệu lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ, tăng hơn 13,8% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế 2,5 triệu lượt, khách nội địa 5,92 triệu lượt. Tương ứng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu hơn 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2023.