Đà Nẵng: Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực hội nhập để vào thị trường EFTA

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng tuy quy mô nhỏ nhưng hoàn toàn có cơ hội thâm nhập thị trường EFTA nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chiều 21/7, tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương (FTU) tổ chức Hội nghị đối thoại công - tư với chủ đề "Tiềm năng thị trường khối EFTA trong bối cảnh đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ tiểu dự án "Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EFTA" thuộc Dự án SWISSTRADE do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm. Ảnh: Vũ Lê

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm. Ảnh: Vũ Lê

Tại hội nghị, các đại biểu đã cung cấp thông tin chuyên sâu về tiềm năng, thách thức của thị trường EFTA (bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein), đồng thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp hỗ trợ.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký trước đó, như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA. Đây là lợi thế quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng thích ứng và vận dụng những kinh nghiệm sẵn có trong việc tuân thủ cam kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất.

TP. Đà Nẵng hiện có quan hệ xuất khẩu với hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều của TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 4,29 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia xuất khẩu còn hạn chế so với tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc nắm bắt các thông tin cam kết, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt tại các thị trường yêu cầu cao như thị trường EFTA vẫn là trở ngại lớn.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp miền Trung hoàn toàn có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng EFTA nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược phù hợp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, bà Trâm cho biết, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao, tạo động lực lan tỏa đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; trở thành một mắt xích quan trọng kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ có cơ hội lớn vào thị trường EFTA khi Hiệp định Việt Nam - EFTA được ký kết. Ảnh: Vũ Lê

Doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ có cơ hội lớn vào thị trường EFTA khi Hiệp định Việt Nam - EFTA được ký kết. Ảnh: Vũ Lê

Theo TS Vũ Thị Phương Mai, Đại học Ngoại Thương Hà Nội, để vào được thị trường EFTA, doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực hội nhập. Trong đó, chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm; chuẩn bị nguồn lực, công nghệ, truy xuất nguồn gốc, bao bì bền vững, năng lực sản xuất sạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu, gắn với ESG, truyền thông thương hiệu phù hợp thị hiếu châu Âu; đa dạng kênh phân phối, kết hợp truyền thống và số hóa (thương mại điện tử, sàn quốc tế).

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-doanh-nghiep-can-nang-cao-nang-luc-hoi-nhap-de-vao-thi-truong-efta-411538.html