Đà Nẵng đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics

Thành phố Đà Nẵng đã và đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; lắng nghe, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics.

Đà Nẵng đối thoại, chia sẻ cùng doanh nghiệp

Đà Nẵng đối thoại, chia sẻ cùng doanh nghiệp

Sản xuất công nghiệp, thương mại-xuất nhập khẩu và năng lượng tiếp tục đà hồi phục

Ngày 18/4, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức “Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics thành phố Đà Nẵng”.

Tại Đà Nẵng, tính chung năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước tăng 6,65% so cùng kỳ năm 2023. Một số ngành đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng gồm: dệt, sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất máy móc, thiết bị (động cơ 1 chiều; bộ lọc dầu...), sản xuất phương tiện vận tải…

Dệt may là một trong những ngành đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng ngành công nghiệp.

Dệt may là một trong những ngành đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng ngành công nghiệp.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của thành phố ước đạt 3.231 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.921 triệu USD, tăng 3,4% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.385 triệu USD, tăng 21,2%.

Đến nay, Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm: Đông Bắc Á khoảng 46%, châu Mỹ 25%; Liên minh châu Âu (EU) 15 %; Đông Nam Á 5%; trong đó, một số nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn như: Nhật Bản chiếm khoảng 35%; Hoa Kỳ khoảng 20%...

Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định, mặc dù quy mô xuất khẩu của thành phố hiện mới chiếm khoảng 0,42% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng với đà tăng trưởng này, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất-xuất khẩu có định hướng công nghệ cao, bền vững và hiện đại.

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp 11-12% năm 2025.

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp 11-12% năm 2025.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng vẫn đối mặt với không ít thách thức, như quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng gia công, thiếu thương hiệu riêng.

Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đã tham gia 16 FTA, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả Đà Nẵng, vẫn chưa đạt mức tối ưu, dư địa tận dụng còn rất lớn.

Lắng nghe để đồng hành, kịp thời gỡ khó

Sở Công Thương thành phố đã thực hiện khảo sát, thu thập thông tin về các khó khăn, vướng mắc, trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng, nguồn nhân lực, phát triển thị trường và về thay đổi chính sách thuế của Hoa Kỳ.

Lắng nghe ý kiến, chia sẻ của đại diện hiệp hội.

Lắng nghe ý kiến, chia sẻ của đại diện hiệp hội.

Đà Nẵng có hơn 70 doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ. Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm cho biết: “Nhìn chung, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động; ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và dự kiến còn tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như logistics, cảng biển và vận tải; các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, du lịch”.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp có những kiến nghị, đề xuất như: đơn giản hóa thủ tục vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển thị trường; mong muốn hỗ trợ phát triển thị trường; hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng phần mềm trong quản trị, vận hành sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh…

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực logistics thành phố Đà Nẵng như: tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực; định hướng phát triển các nhóm ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao; sớm hình thành triển khai, thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; khuyến khích đầu tư, hình thành các trung tâm logistics, trung tâm phân phối hiện đại…

Các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị liên quan là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, tháo gỡ rào cản và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của thành phố. Tôi hy vọng rằng, với sự nỗ lực của chính quyền và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế năng động, phát triển bền vững, vươn tầm khu vực và thế giới".

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/da-nang-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-san-xuat-xuat-nhap-khau-logistics-post873471.html