Đà Nẵng: Đồng loạt hưởng ứng chiến dịch chống lừa đảo trên không gian mạng

Chiến dịch 'Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng 2024' được Đà Nẵng triển khai quyết liệt.

Vừa qua, Sở TT-TT TP Đà Nẵng có công văn đề nghị các đơn vị, cơ quan, người dân tham gia Chiến dịch tuyên truyền "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024".

Vào cuộc đồng loạt, quyết liệt

Theo đó, chiến dịch được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ TT-TT từ ngày 10-10 đến 20-11, với đối tượng tuyên truyền là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Cổng thông tin điện tử Công đoàn TP Đà Nẵng phổ biến nội dung tuyên truyền đến hàng nghìn đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố

Cổng thông tin điện tử Công đoàn TP Đà Nẵng phổ biến nội dung tuyên truyền đến hàng nghìn đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố

Ghi nhận của PV, chiến dịch được hưởng ứng rất đồng bộ. Ngay sau khi phát động, trên Cổng thông tin điện tử phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) đã tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống thông tin cơ sở, trích đăng nội dung trên cổng thông tin để người dân và các doanh nghiệp được biết và nắm các thông tin liên quan.

Tương tự, trên các website của các sở ban ngành tại Đà Nẵng như Sở TN-MT, Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố cũng đăng tải các nội dung, cùng với hệ thống ảnh minh họa, inforgraphic nhằm hướng dẫn, tuyên truyền một cách sinh động, hiệu quả.

Đồng thời, Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng với "hệ sinh thái" truyền thông bao gồm Tổng đài 1022 như Zalo Tổng đài 1022 Đà Nẵng, Cổng thông tin dịch vụ công thành phố Đà Nẵng (1022.vn); Fanpage Tổng đài 1022... đã tích cực đăng tải các nội dung liên quan, truyền thông đến từng người dân thành phố.

Nhận tin báo Zalo từ Tổng đài 1022, ông Nguyễn Văn Sơn (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay đây là những tài liệu, thông tin rất bổ ích. "Các hình thức lừa đảo trên mạng ngày một nhiều và tinh vi hơn. Do vậy, mong muốn thành phố tiếp tục phát huy, duy trì chiến dịch này để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trước loại hình lừa đảo phức tạp này", ông Sơn bày tỏ.

Nâng cao khả năng phòng tránh lừa đảo mạng

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT,...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Thời gian qua, người dân Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo qua mạng (lừa đảo trực tuyến), các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người.

Các inforgraphic được thực hiện trực quan, sinh động, thông qua hệ thống 1022 được gửi đến từng người dân thành phố

Các inforgraphic được thực hiện trực quan, sinh động, thông qua hệ thống 1022 được gửi đến từng người dân thành phố

Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư… Và mục tiêu cuối cùng của các đối tượng nhằm đến là "tài chính".

Hưởng ứng chỉ đạo của Bộ TT-TT, Sở TT-TT TP Đà Nẵng đã cung cấp cẩm nang tuyên truyền với nội dung trọng tâm trong chiến dịch là phổ biến tài liệu "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến", gồm 5 kỹ năng chính: Kỹ năng nhận biết; Kỹ năng phát hiện; Kỹ năng xử lý; Kỹ năng phòng tránh; Kỹ năng bảo vệ.

Đồng thời, Sở TT-TT TP Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phát động, triển khai chiến dịch đến toàn bộ cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trên các ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở, trang thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội và các hình thức khác của cá nhân, đơn vị.

Đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.

Theo Sở TT-TT TP Đà Nẵng, khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.

Đồng thời, việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục, để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng.

HẢI ĐỊNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/da-nang-dong-loat-huong-ung-chien-dich-chong-lua-dao-tren-khong-gian-mang-196241128124239291.htm