Đà Nẵng dự kiến sắp xếp còn 12 phường, xã và 1 đặc khu
Đà Nẵng đã báo cáo phương án sắp xếp cấp xã, không tổ chức cấp huyện, dự kiến còn 12 phường, xã và một đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối.
Đó là nội dung báo cáo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại buổi làm việc giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, chiều 29-3.
Hình thành đô thị mới trên vịnh Đà Nẵng
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, dự kiến quý I-2025, kinh tế TP tăng trưởng trên 11%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2025 ước đạt 5.007 USD.
Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: VGP
Đà Nẵng đã triển khai các chương trình an sinh xã hội nhân văn, vượt trội, riêng có như: trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi từ 75-80 tuổi; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; miễn hoàn toàn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh các cấp…
Về triển khai Nghị quyết 18, Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp. TP đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức cấp huyện.
Dự kiến Đà Nẵng có 12 phường, xã và một đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối. TP Đà Nẵng cũng làm tốt công tác tư tưởng và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bí thư Đà Nẵng đề xuất một số cơ chế chính sách liên quan Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam.
Trong đó, có việc cho phép TP lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới với các chức năng của khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế; xây dựng tuyến đường sắt đô thị.
Quảng Nam muốn có siêu đô thị 15.000 ha
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) của tỉnh năm 2025 ước tính đạt hơn 147.000 tỉ đồng.
GRDP bình quân đầu người năm 2025 khoảng 96 triệu đồng. Đến cuối năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,56%.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: VGP
Từ đó, ông Triết kiến nghị Trung ương cho phép xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong giai đoạn mới, phạm vi diện tích mở rộng đến bờ Nam sông Thu Bồn, bao gồm hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay Chu Lai kết hợp với cảng biển Chu Lai.
Địa phương này muốn được tiên phong thử nghiệm các cơ chế đột phá, vượt trội để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái biển.
Đồng thời, được áp dụng chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo cơ chế tương tự Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội đang áp dụng cho Đà Nẵng.
Bí thư Quảng Nam cũng đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, trở thành đô thị trọng điểm của khu vực.
Ngoài ra, còn có tuyến đường sắt đô thị từ Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Triết, Quảng Nam có sáu huyện miền núi cao, 71 xã nghèo, trong đó có 14 xã biên giới giáp với huyện Sekong (Lào). Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên.
“Đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng đề án áp dụng các cơ chế đặc thù để phát triển khu vực miền núi nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bằng và miền núi sau sáp nhập”, ông Triết nêu ý kiến.
Nguồn PLO: https://plo.vn/da-nang-du-kien-sap-xep-con-12-phuong-xa-va-1-dac-khu-post841566.html