Đà Nẵng gỡ vướng cho một số dự án bất động sản lớn

Đà Nẵng hiện có 06 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc liên quan tới thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà nhà đầu tư 'không có quyền sử dụng đất ở'…

Dự án Diamond Square (84 Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đến nay vẫn bị "treo".

Dự án Diamond Square (84 Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đến nay vẫn bị "treo".

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.

Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thí điểm này, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, khơi thông nguồn lực đất đai…

Trong chuyến thực địa tại một số dự án bất động sản lớn đang gặp vướng mắc, khó khăn về pháp lý trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Đoàn giám sát của Quốc hội đã khảo sát dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square (84 Hùng Vương, quận Hải Châu) do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng làm chủ đầu tư và dự án khu đô thị Phong Nam - Hòa Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) do Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (DMT) làm chủ đầu tư.

Đây là 02 dự án bất động sản có quy mô lớn tại Đà Nẵng đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý và bị “treo” suốt nhiều năm nay.

Cụ thể, tại dự án ở số 84 Hùng Vương, đại diện chủ đầu tư kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng đề xuất Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng và dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square vào danh sách các dự án đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.

Dự án này có tổng vốn 180 triệu USD, trên diện tích đất hơn 11.100 m2. Tuy nhiên, đến nay, trên khu đất 84 Hùng Vương chỉ có vách tôn vây quanh, cổng chính và tấm bảng quảng cáo về dự án.

Tại dự án Khu đô thị Phong Nam - Hòa Châu, lãnh đạo công ty DMT cho biết đã đầu tư vào dự án một khoản kinh phí lớn cũng như nỗ lực suốt nhiều năm qua để hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến dự án lại đang gặp vướng mắc khiến dự án bị chậm tiến độ nhiều năm nay. Mặc dù, công ty đã nhiều lần kiến nghị với UBND TP. Đà Nẵng cũng như các bộ, ngành và Chính phủ, nhưng vẫn chưa giải quyết xong.

Chủ đầu tư kiến nghị đoàn giám sát xem xét và có hướng dẫn, chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng và các sở, ngành sớm thực hiện thủ tục giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Dự án này có quy mô diện tích hơn 21,5 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2012, điều chỉnh năm 2018, được thông qua trong danh mục thu hồi đất thực hiện dự án năm 2020. Sau khi có quy hoạch chi tiết, huyện Hòa Vang đã triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong ranh giới dự án. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Đà Nẵng chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp với diện tích hơn 16,7 ha để thực hiện dự án. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chủ đầu tư dự án là DMT Group đã nhiều lần kiến nghị thành phố giao đất, cho thuê đất để triển khai dự án vẫn chưa được chấp nhận.

Ý kiến từ đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng - ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc sở này cho biết lãnh đạo thành phố cũng như các sở, ngành luôn nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sớm nhất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Tại những dự án hội tụ đầy đủ các yếu tố về quy hoạch, định hướng phát triển đô thị của thành phố, năng lực tài chính của nhà đầu tư…, thành phố sẽ có báo cáo đề xuất Chính phủ, Quốc hội có phương án thí điểm để tháo gỡ.

Đối với dự án Khu đô thị Phong Nam - Hòa Châu, ông Chương nêu nhiều tình huống pháp lý liên quan. Theo đó, cần xác định cụ thể những vấn đề tồn tại trong trình tự thủ tục thực hiện dự án. Cụ thể, tại thời điểm năm 2012, thủ tục để ban hành quyết định giao đất đã không được thực hiện là một sai sót xuất phát từ phía thành phố.

“Hướng tháo gỡ cho dự án này cần có một đánh giá độc lập, để có thể cho phép doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ khi thực hiện dự án này, trên tinh thần không để thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Chương nêu quan điểm.

Ghi nhận từ thực tế, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng đoàn giám sát, đề nghị Đà Nẵng làm rõ một số nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư, thu hồi đất, lựa chọn nhà đầu tư các dự án bất động sản; làm rõ tính pháp lý khi cho chuyển đổi công năng các khu condotel thành căn hộ chung cư, nhất là việc phù với hạ tầng xã hội xung quanh… Chủ trương chung là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển, đồng hành cùng địa phương.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/da-nang-go-vuong-cho-mot-so-du-an-bat-dong-san-lon.htm