Đà Nẵng: Hoạt động khuyến công đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành công nghiệp
Trong giai đoạn 2016 – 2020, chương trình khuyến công đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo công nghiệp nông thôn Đà Nẵng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp thành phố. Đà Nẵng sẽ chú trọng đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ để có thêm nhiều cơ sở, doanh nghiệp được thụ hưởng những hỗ trợ thiết thực từ chương trình này.
Động lực thúc đẩy các cơ sở mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất
Tại Hội nghị tổng kết chương trình khuyến công TP. Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố - bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho biế: trong giai đoạn 2016 – 2020, nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công tại TP. Đà Nẵng là hơn 11 tỷ đồng với 89 đề án và nhiều hoạt động khuyến công địa phương liên quan khác. Trong đó, kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia là 5,25 tỷ đồng với 17 đề án, và từ nguồn thành phố là 5,78 tỷ đồng với 72 đề án cùng các hoạt động có liên quan.
Các đề án của khuyến công tập trung nhiều nhất vào hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% kinh phí khuyến công quốc gia và 60% kinh phí khuyến công địa phương), vì phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tập huấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ….
Từ nguồn “vốn mồi” của nhà nước, các doanh nghiệp được thụ hưởng đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm, sản xuất sạch hơn, tăng sức cạnh tranh khi ra thị trường. Tổng nguồn vốn tự có của các cơ sở công nghiệp nông thôn, vốn lồng ghép từ chương trình, dự án khác ước đạt gần 52,18 tỷ đồng.
Theo bà Mai, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất đã biết đến và quan tâm hơn về chương trình khuyến công, qua đó tạo động lực thúc đẩy các cơ sở mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. “Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng lực quản lý, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ máy móc thiết bị, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, bà Mai nói.
Đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh, công tác khuyến công đã góp phần tích cực nâng năng suất lao động, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất ... từ đó, góp phần thúc đẩy CNNT Đà Nẵng phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp thành phố.
Tuy nhiên, công tác khuyến công trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế phải khắc phục như còn ít các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, các đề án xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn, đề án đào tạo nghề; Đề án khuyến công địa phương có quy mô lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng chưa nhiều; Mức hỗ trợ vẫn còn thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở dẫn nên chưa tạo động lực thực sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; Mức chi hoạt động khuyến công địa phương vẫn còn rất thấp so với quy định của Trung ương.
Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, ông Hồ Kỳ Minh cho biết TP. Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh hoàn thành việc xây dựng Nghị quyết Quy định chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch Đà Nẵng theo hướng phù hợp với các quy định mới về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; Hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả thực hiện Chương trình khuyến công địa phương trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.
Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp để thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở được thụ hưởng và được thụ hưởng không chỉ một lần; chú trọng nhân rộng mô hình trình diễn, mô hình thí điểm, tạo sức lan tỏa trong việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, số hóa công tác thống kê số liệu và theo dõi quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công; Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng các hoạt động khuyến công để các đối tượng theo quy định có điều kiện thuận lợi tiếp cận và thụ hưởng hiệu quả chính sách của nhà nước.
Giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công Thương Đà Nẵng đặt ra mục tiêu trong công tác khuyến công gồm:
- Hỗ trợ khoảng 400 lượt học viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp;
- Hỗ trợ xây dựng 07-10 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 70 - 80 lượt cơ sở CNNT, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp;
- Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho khoảng 30 đơn vị ; xây dựng 05-06 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn;
- Hỗ trợ tư vấn cho khoảng 35-40 cơ sở;
- Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm cho khoảng 40 cơ sở;
- Tổ chức 02 đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp thành phố, đề cử tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia;
- Tổ chức 02 lượt Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tổ chức 20 đoàn tham gia hội chợ triển lãm trong nước lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề;
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và tại các cơ sở công nghiệp nông thôn;
- Đẩy mạnh thông tin, hoàn thiện quy trình quản lý và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.