Đà Nẵng: Hơn 1.200 tỷ đồng xây đường ven biển nối Nam Hải Vân - cảng Liên Chiểu
UBND TP Đà Nẵng vừa có Quyết định số 1059/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, tỷ lệ 1:500 vừa được phê duyệt, tuyến đường nối sẽ có quy mô sử dụng đất gần 20ha, tổng chiều dài 2,95km kết nối từ đường vào cảng đến tuyến đường tránh Nam Hải Vân. Tuyến đường có 6 làn xe cơ giới, tổng bề rộng nền đường 30m.
Trên tuyến đường này có cầu vượt nút giao đường sắt Bắc - Nam và QL1A, hầm chui vào đường lên Suối Lương, đồng thời mở rộng cầu Liên Chiểu trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Phạm vi ranh giới của quy hoạch gồm: phía bắc giáp đèo Hải Vân, phía nam giáp cửa sông Cu Đê, phía đông giáp vịnh Đà Nẵng, phía tây giáp tuyến đường tránh Nam Hải Vân, tuyến đường và kè ven biển thuộc khu dân cư phường Hòa Hiệp Bắc và khu công nghiệp Liên Chiểu.
Quyết định cũng nêu rõ, các khu chức năng gồm khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8 nghìn TEUS (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18 nghìn TEUS (tương đương 200 nghìn DWT) trong dài hạn. Quy mô quy hoạch gồm 8 bến container với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000 – 200.000 DWT.
Khu bến tổng hợp quy hoạch tiếp nhận được tàu đến 100 nghìn DWT (phía ngoài) và các tàu cỡ nhỏ hơn ở phía trong (khoảng 30 nghìn DWT). Tổng số lượng bến/chiều dài bến là 6 bến/1.550m.
Khu bến thủy nội địa có tổng chiều dài 1.200m, quy hoạch cho các tàu, sà lan đến 5 nghìn DWT phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.
Khu bến hàng lỏng/khí quy hoạch cho cỡ tàu đến 30 nghìn DWT (trong đó có bố trí khu vực để di dời các bến hàng lỏng hiện hữu); quy mô gồm 6 bến, bố trí tại khu vực đê chắn sóng, kết nối với đê chắn sóng bằng cầu dẫn. Các công trình hàng lỏng/khí được bố trí đủ khoảng cách an toàn đến các công trình khác trong quy hoạch và lân cận.
Khu kho bãi đường sắt quy hoạch bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia; vị trí quy hoạch ở phía sau khu bến container. Đê kè chắn sóng có tổng chiều dài hơn 2.000m, đảm bảo che chắn sóng theo hướng đông bắc và đông đông bắc. Trên mặt đê quy hoạch bố trí các tuyến đường ống dẫn hàng lỏng từ bến cảng vào đến kho hàng lỏng phía trong bờ...
Giao thông đường bộ dùng chung của bến cảng Liên Chiểu chạy dọc theo ranh giới quy hoạch, giáp chân núi và tuyến đường bờ hiện hữu, đảm bảo khả năng kết nối đến từng khu chức năng cảng, chỉ tiêu cấp đường đáp ứng ô tô chuyên dụng, kết cấu mặt đường cấp cao A1.
Bên cạnh đó, giao thông nội bộ trong các khu chức năng cảng sẽ do nhà đầu tư khai thác cảng tổ chức trên cơ sở phù hợp với công nghệ và thiết bị khai thác đề xuất, đảm bảo khả năng lưu thông của các phương tiện.
Giao thông đường biển, luồng hàng hải vào cảng Liên Chiểu được thiết lập mới có chiều dài hơn 7km, bề rộng 160 - 220m, cao trình đáy luồng từ 14,6 - 17,8m; giao thông đường sắt sẽ định hướng kết nối đường sắt từ ga Kim Liên vào đến trong cảng Liên Chiểu với chiều dài khoảng 1,5km, chạy dọc theo đường sau cảng vào khu bãi hàng hóa đường sắt.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với tổng mức đầu tư 1.203 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.