Đà Nẵng hướng đến một đô thị toàn cầu

Bản điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 như là 'đường ray tốc độ cao' để Đà Nẵng hướng đến một đô thị toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 393/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Một đô thị biển độc đáo

Quyết định 393 nêu rõ Đà Nẵng phải nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân. Đà Nẵng cũng cần phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Quan điểm nhất quán của Chính phủ là phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm. TP tập trung phát triển ba trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Đà Nẵng được định hướng phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng. Phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.

Trong đó, bốn trọng tâm đầu tư du lịch chính gồm: Sơn Trà sẽ thành khu du lịch sinh thái cao cấp, gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; vịnh Đà Nẵng thành đô thị biển mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; khu trung tâm TP, phố mua sắm và nhà hàng truyền thống; các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng (gồm cả loại hình dịch vụ vui chơi giải trí có hoạt động cá cược theo quy định).

Về công nghiệp xây dựng, TP Đà Nẵng được định hướng tổ chức, phân bổ tám khu công nghiệp, năm cụm công nghiệp, bốn khu công nghệ cao và công nghệ thông tin tập trung.

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia thuộc top 500 của thế giới. “Các chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng: Phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị miền Trung. Phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống, đô thị thông minh, đô thị toàn cầu và đô thị khởi nghiệp sáng tạo” - Quyết định 393 nêu rõ.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, kế thừa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, TP đã soạn thảo và trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. “Đề án này Đà Nẵng trình hồi tháng 9-2019, bây giờ mới được phê duyệt. Song song với điều chỉnh quy hoạch chung TP thì Quyết định 393 là nền để Đà Nẵng triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 43” - ông Trung nói.

Quyết định 393 là “đường ray tốc độ cao” để Đà Nẵng hướng đến cái đích của một đô thị toàn cầu. Ảnh: TẤN VIỆT

Quyết định 393 là “đường ray tốc độ cao” để Đà Nẵng hướng đến cái đích của một đô thị toàn cầu. Ảnh: TẤN VIỆT

Chính phủ “gật đầu” nhiều dự án khủng

Quyết định 393 của Thủ tướng cũng định hướng về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị cho TP Đà Nẵng. Nhiều dự án khủng được đưa vào quy hoạch như: Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP, tuyến đường sắt mới gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; nâng cấp quốc lộ 14B; mở rộng quốc lộ 14G.

Chính phủ cũng cho phép TP Đà Nẵng sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng loại IA theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia. Đặc biệt, TP Đà Nẵng cần phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác sân bay Đà Nẵng công suất tối đa 28-30 triệu hành khách/năm.

Đồng thời, Đà Nẵng được phép nghiên cứu lại tổng thể việc tổ chức giao thông nội thị. Trong đó sớm nghiên cứu giải pháp tổ chức hệ thống giao thông ngầm đô thị. Xây dựng đường hầm qua sân bay Đà Nẵng. Nghiên cứu vị trí đầu tư xây dựng công trình vượt sông trên toàn tuyến sông Hàn…

Quyết định 393 giao cho Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Trong đó, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ 67%-68%, công nghiệp và xây dựng 31%-32%, nông nghiệp 1%. Dự báo dân số TP Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu người (cả quy đổi), trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người.

Quyết định 393 giao nhiệm vụ cho Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong các ngành khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ… “Tiếp tục duy trì, phát huy và xây dựng các mô hình TP “5 không”, “3 có”, thực hiện tốt TP “4 an”, phấn đấu trở thành đô thị được xếp hạng trên các bảng bình chọn “TP đáng sống” của thế giới, để Đà Nẵng là điểm đến tin cậy và tuyệt đối an toàn của bạn bè trong và ngoài nước” - Quyết định 393 chỉ rõ.

Trao đổi với PV ngày 20-3, lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho hay Quyết định 393 bổ sung cho TP hàng loạt dự án mà trước đây chỉ dừng ở mức ý tưởng đề xuất như trường đua ngựa, tuyến đường vành đai phía tây, sân golf ở huyện Hòa Vang…

“Một số dự án của nhà đầu tư lâu nay mình nói vậy thôi nhưng không có trong bản quy hoạch kinh tế - xã hội này thì không thể quy hoạch sử dụng đất được. Có quy hoạch sử dụng đất mới có các bước thu hồi đất. Nhà đầu tư mới có cơ sở lập hồ sơ đề xuất đầu tư các dự án” - vị lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, từ Quyết định 393, TP sẽ làm tiếp quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang xây dựng ba kịch bản tăng trưởng, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19, lồng ghép vào điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới và triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư.

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/da-nang-huong-den-mot-do-thi-toan-cau-898632.html